Y tếPhòng, chống HIV

Cách dự phòng phơi nhiễm HIV

15:43 - Thứ Hai, 27/08/2018 Lượt xem: 3137 In bài viết
Phơi nhiễm với HIV là tình huống rất thường gặp. Dù không phải tất cả các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể người nhiễm HIV đều bị nhiễm, tuy nhiên có rất nhiều người lo lắng, nhất là sau vụ 42 người ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bị nhiễm HIV mà chưa biết nguyên nhân. Các chuyên gia khuyến cáo cách dự phòng kịp thời trước và sau phơi nhiễm HIV.

HIV có thể lây truyền thông qua ba đường: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việc lây truyền qua đường máu dễ xảy ra khi dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da có dính máu của người nhiễm HIV, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV mà vùng da tiếp xúc đó bị tổn thương; truyền máu của người bị nhiễm HIV hoặc trong giai đoạn cửa sổ. Việc lây truyền qua đường tình dục dễ xảy ra do quan hệ tình dục với người nhiễm HIV mà không sử dụng bao cao-su hoặc sử dụng bao cao-su không đúng cách hay tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người nhiễm HIV mà da, niêm mạc vùng tiếp xúc đó không lành lặn. Việc lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú.

Riêng đối với đường lây qua tiêm chích, do kim tiêm được đưa sâu vào cơ thể cho nên máu được lưu giữ trong đầu kim. Khi sử dụng lại bơm kim tiêm của người nhiễm HIV cho người khác sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV. HIV hoàn toàn không lây qua nước mắt, nước bọt hay các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung hay sinh hoạt chung, học chung… Như vậy, người dân không có những hành vi nguy cơ như trên thì không nhất thiết phải lo lắng và cũng không cần phải làm xét nghiệm.

Trong các trường hợp không may bị nhiễm HIV, người bệnh sẽ được điều trị sớm bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) liên tục nhằm kiểm soát nồng độ vi-rút trong cơ thể. Nếu tuân thủ điều trị tốt, người nhiễm vẫn sống khỏe mạnh và làm việc bình thường. Khá nhiều người nhiễm HIV đang trong độ tuổi sinh sản, mong muốn có đời sống tình dục và có con. Ðiều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người bệnh tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Họ sẽ không lây bệnh cho vợ hoặc chồng của mình và vẫn có thể sinh ra những đứa con mạnh khỏe.

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng, chống HIV, tuy nhiên với sự phát triển của các phương pháp điều trị, HIV hoàn toàn có thể được kiểm soát, người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh lâu dài.

Ðến nay, PrEP là một biện pháp dự phòng bổ sung đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và có hiệu quả đáng kinh ngạc. PrEP - dự phòng trước phơi nhiễm HIV chính là sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV đối với người chưa nhiễm HIV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Thuốc PrEP có hiệu quả rất cao trong phòng lây nhiễm HIV và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong dự phòng lây nhiễm HIV cho những nhóm có nguy cơ cao như: Cán bộ y tế (tiếp xúc với dịch, máu của người bệnh nhiễm HIV/AIDS hoặc nghi nhiễm HIV); cán bộ công an trong quá trình điều tra truy bắt tội phạm nhiễm HIV, nghi nhiễm HIV; công nhân vệ sinh môi trường khi thu gom rác bị bơm kim tiêm đã qua sử dụng đâm phải; các đối tượng sau khi quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm HIV...

Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), những người bị phơi nhiễm HIV nên sử dụng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Dịch vụ này giúp những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Khi một người phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống này có thể bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV. Nếu được dùng đều đặn và thường xuyên, PrEP sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao tới 92%.

Hiện nay, thuốc ARV được lựa chọn điều trị HIV khá an toàn với người sử dụng và có rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy, một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, xong triệu chứng này sẽ qua nhanh. Vì thế, người bệnh không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ; trong trường hợp có các tác dụng phụ nặng cần đến ngay các cơ sở y tế và có thể đổi phác đồ điều trị. Ðiều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong 28 ngày. Sau ba tháng xét nghiệm lại, nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.

Các chuyên gia khuyến cáo, do tình huống phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp rất đa dạng và nguy cơ khác nhau, vì vậy, người bị phơi nhiễm HIV ngoài cộng đồng cần phải đến ngay các cơ sở y tế để đánh giá về tình trạng nhiễm HIV; phạm vi, tần suất và thời gian có nguy cơ phơi nhiễm… Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Về nguyên tắc, những người nghi phơi nhiễm HIV phải được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt, nhất là trong vòng 72 giờ, tối ưu là sáu giờ đầu. Sau 72 giờ, việc điều trị dự phòng không còn có giá trị.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top