Y tếPhòng, chống HIV

Nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS

08:54 - Thứ Tư, 07/08/2019 Lượt xem: 27044 In bài viết

ĐBP - Tính đến hết tháng 6/2019, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh là 7.320 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 3.452 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS 5.378 người, còn sống 1.658 người. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 42 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 81 trường hợp so với cùng kỳ. Hiện nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 120/130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số là 0,59%.

Ông Vũ Hải Hùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Ngành Y tế đã tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, tiếp nhận nguồn đầu tư hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ được triển khai đồng bộ, toàn diện, hoạt động có hiệu quả. Nhân lực thực hiện chương trình được đào tạo cơ bản về chuyên môn theo các lĩnh vực, các tuyến. Ðến nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động của 9 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV; 12 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại trung tâm kiểm soát bệnh tật và các huyện thị. Các phòng chẩn đoán HIV dương tính nhanh trong 1,5 giờ và đưa bệnh nhân vào điều trị kịp thời tránh mất dấu, góp phần thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 đạt hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện 46 đợt giám sát HIV/AIDS và hỗ trợ kỹ thuật tại 51 xã thuộc 10/10 huyện, thị, thành phố; triển khai có hiệu quả xét nghiệm sàng lọc HIV tại 102 xã trên địa bàn 10/10 huyện, thị, thành phố. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS đảm bảo phục vụ chuyên môn. Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó 1 cơ sở mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 tại Trung tâm Y tế TP. Ðiện Biên Phủ, 1 cơ sở tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đi vào hoạt động trong tháng 7/2019. Các cơ sở này đang quản lý và điều trị ARV cho 3.027 bệnh nhân, chiếm 88% số người nhiễm HIV còn sống quản lý được (trẻ em 129 trẻ, người lớn 2.898 người).

 

Y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Không chỉ vậy, 10/11 cơ sở điều trị tích hợp phần mềm HIV vào trong phần mềm quản lý bệnh viện để thanh toán các chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS. Và từ năm 2018 các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã thực hiện ít nhất 1 dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV qua nguồn BHYT. Ðến nay, có trên 2.840 bệnh nhân điều trị ARV sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh và thanh toán các chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội. Tại 4 huyện, thị xã: Mường Lay, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông và Tủa Chùa, từ tháng 5/2019 bắt đầu cung cấp thuốc ARV thông qua nguồn BHYT. Trong 6 tháng đầu năm có 139 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được mua BHYT từ nguồn ngân sách địa phương. Trong quý III/2019 tiếp tục rà soát bệnh nhân có thẻ BHYT sắp hết hạn và bệnh nhân mới để xây dựng kế hoạch mua thẻ. Ðồng thời, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện đã và đang là hướng đi tích cực trong công tác phòng, chống ma túy và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV cho người nghiện chích ma túy. Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở điều trị, 34 cơ sở cấp phát thuốc methadone quản lý, điều trị cho 2.568 bệnh nhân. Chương trình điều trị Buprenorphine được triển khai tại cơ sở điều trị Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ), cơ sở điều trị Thanh Xương và cơ sở cấp phát Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) cho 44 bệnh nhân…

Cùng với đó, ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS đến các tuyến cơ sở, cấp xã, cấp huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã, bản đang còn là điểm nóng về ma túy trên địa bàn. Trong đó, tập trung nghiên cứu và soạn thảo tài liệu, đảm bảo chuyển tải các thông tin, nội dung về HIV/AIDS mới nhất, chính xác nhất và phù hợp với các địa bàn triển khai các dịch vụ can thiệp mới, phù hợp với văn hóa và truyền thống của địa phương. Ngoài ra, ngành huy động cả cộng đồng cùng vào cuộc bằng cách củng cố câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS tại các xã, phường, duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn với các nhóm; các thành viên câu lạc bộ thường xuyên thăm hỏi và động viên nhau… Ðồng thời, vận động các ban, ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế và tinh thần cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với căn bệnh HIV/AIDS.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top