Y tếPhòng, chống HIV

PrEP - giải pháp mới trong phòng chống HIV/AIDS tại Long An

09:26 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 27997 In bài viết

ĐBP - PrEP - viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis: điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, trong đó các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Ðây là chương trình được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đạt hiệu quả cao nhất. Chương trình được Bộ Y tế và Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ khởi xướng áp dụng và bảo trợ kỹ thuật, tài chính trên phạm vi toàn cầu.

Truyền thông, tư vấn đóng vai trò quan trọng bên cạnh các biện pháp y tế trong việc điều trị HIV/AIDS theo giải pháp PrEP. Ảnh: Ðài PT-TH long an

Tại Châu Á, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Thái Lan thực hiện từ cuối năm 2018. Long An là 1 trong 10 tỉnh thành đầu tiên trên phạm vi cả nước triển khai chương trình này từ đầu năm 2019. Các đối tượng đã nhiễm HIV hoặc chưa nhiễm nhưng thuộc các nhóm có nguy cơ bị nhiễm trên địa bàn tỉnh Long An có thể đến đăng ký tham gia, được tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc uống tại Trung tâm phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố. Hội nghị truyền thông về chương trình phòng chống HIV/AIDS theo phương pháp PrEP tại huyện Ðức Hòa.

Vì đây là chương trình hiệu quả cao trong phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS mới được triển khai thực hiện, còn mới mẻ trong cộng đồng nên ngành Y tế tỉnh Long An đang tăng cường công tác thông tin truyền thông, trước hết là ở những khu vực đông dân cư như thành phố Tân An và các huyện: Bến Lức, Ðức Hòa, Cần Giuộc, Cần Ðước.

Trước đây khi nhắc tới HIV/AIDS, người ta đều sợ hãi vì không có thuốc chữa trị cho căn bệnh này. Thế nhưng với khoa học hiện đại, con người đã dần kiểm soát được HIV bằng việc sử dụng thuốc ARV nhưng vẫn có những hạn chế nhất định trong việc điều trị vì nó chỉ dùng khi đã phát hiện bị nhiễm virus HIV. Ðến nay, phương pháp điều trị PrEP mới khắc phục những nhược điểm của thuốc ARV, không chỉ áp dụng cho người đã nhiễm bệnh mà áp dụng cả ở những người có nguy cơ lây nhiễm.

Truyền thông, tư vấn đóng vai trò quan trọng bên cạnh các biện pháp y tế trong việc điều trị HIV/AIDS theo giải pháp PrEP. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Long An cho biết: PrEP có hiệu quả tới 92% trong việc phòng ngừa lây truyền HIV trong nhóm nguy cơ cao, đây là một chương trình mà người dùng tiếp cận các dịch vụ y tế, bao gồm xét nghiệm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra sức khỏe tình dục định kỳ 3 tháng một lần. Ưu tiên điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV như: Quan hệ tình dục đồng tính nam, bán dâm nam hoặc nữ, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy và bạn tình của người nhiễm HIV có tải lượng vi rút trên ngưỡng ức chế.

PrEP là biện pháp can thiệp dự phòng bổ sung cho những người có nguy cơ cao nhiễm HIV và được xem như là một phần của can thiệp dự phòng đầy đủ, bao gồm việc sử dụng bao cao su. Tăng độ bao phủ PrEP làm giảm tỉ lệ nhiễm, thậm chí còn cắt đứt đường lây truyền HIV. Ðây là giải pháp mới, tân tiến, nhiều ưu điểm khi áp dụng sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90 - 90 - 95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV và 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…) trong việc phòng chống HIV/AIDS.

Hy vọng với phương pháp mới, nhiều ưu điểm trong việc phòng ngừa, điều trị, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP mà Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng sớm tham gia sẽ mang lại nhiều kết quả hơn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, giảm dần tỉ lệ lây nhiễm bệnh ở mức thấp nhất.

T.K (theo vaac.gov.vn)
Bình luận
Back To Top