Y tếPhòng, chống HIV

“Cứu tinh” cho bệnh nhân HIV/AIDS

09:32 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 5125 In bài viết

ĐBP - Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS phần lớn có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, nhất là về kinh tế. Trong khi đây là bệnh phải dùng thuốc suốt đời, nếu phải tự chi trả khám chữa bệnh và dùng thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV), thì rất nhiều trường hợp phải từ bỏ cơ hội sống của mình. Có thể nói rằng, triển khai khám chữa bệnh và cấp thuốc ARV thông qua BHYT là “phao cứu sinh”, là “cứu tinh” với bệnh nhân HIV/AIDS...

Chị Lường Thị Lợi (ở giữa) cùng nhóm khuân vác chờ xe hàng tại sân Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Chị Hà Thị T. ở xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên phát hiện mình nhiễm HIV đã nhiều năm, chồng chị cũng mất sau đó không lâu. Một thân một mình nuôi 2 con gái khôn lớn, đến nay các con đều đã xây dựng gia đình. Chị T. chia sẻ: May mắn vì các con đều khỏe mạnh. Bây giờ gia đình 2 con gái là tất cả của tôi, vì anh chị em cũng mất cả rồi (nhiều người trong đó cũng mất vì AIDS), tôi sống trong căn nhà này một mình...”. Bao năm, cuộc sống 3 mẹ con  trông cả vào 500m2 ruộng. Khi chúng tôi hỏi, nếu bây giờ phải tự mua thuốc ARV để uống hàng ngày thì sao? Gần như không nghĩ ngợi gì, chị bảo: “Chịu thôi, tiền nuôi thân còn khó làm sao mà tự mua được...”.

Tôi gặp chị Lường Thị L., phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ lần đầu trong một buổi chiều khi chị cùng nhóm khuân vác đang chờ xe hàng ở sân Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Chị L. phát hiện mình nhiễm HIV cách đây hơn chục năm, khi đó con chị chưa đầy 8 tháng; may là cháu khỏe mạnh. Nhưng sau đó vài tháng thì chồng chị qua đời vì AIDS. Sốc vô cùng, nhưng chị cố sống vì con. Nhờ được quan tâm chăm sóc, cấp phát thuốc ARV đầy đủ nên đến nay sức khỏe chị vẫn ổn định. Tuy không lo nhiều vì vấn đề sức khỏe nhưng về kinh tế, chị L. rất khó khăn. Không thuộc diện hộ nghèo nên mọi chi phí cho con cái học hành, đóng góp chị phải gắng sức lo; từ tiền sách vở, quần áo, tiền học... “Có lần nó khóc mếu về ôm mình rồi bảo: Con không đi học nữa đâu. Ði học thì mẹ vất vả; mà các bạn vẫn cứ xa lánh con, nói con là con nhà bị AIDS...” - Chị L. nói.

Tính đến ngày 15/11/2019, lũy tích toàn tỉnh Ðiện Biên có 7.387 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, còn sống quản lý được là 3.448 người; lũy tích tử vong là 3.780 người. Riêng trong tháng 11/2019 toàn tỉnh phát hiện 8 trường hợp nhiễm mới. Ðến nay 10/10 huyện thị, thành phố; 121/130 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Thực tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đa phần khó khăn về kinh tế, công việc không ổn định, sức khỏe yếu... Trong khi, đây là bệnh phải dùng thuốc cả đời và chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe và mua thuốc kháng vi rút HIV cao. Trước đây, tất cả chi phí này đều chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và Chương trình mục tiêu phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ hết năm 2018, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã dần bị cắt giảm. Vì vậy, việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được BHYT chi trả là chính sách nhân văn của Nhà nước trong hỗ trợ và tạo điều kiện để người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Tại tỉnh Ðiện Biên, việc triển khai chi trả qua BHYT đối với bệnh nhân HIV/AIDS cũng đạt nhiều kết quả tốt.

Ông Vũ Hải Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Ðến 30/9, toàn tỉnh có 2.943 bệnh nhân điều trị ARV sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh và thanh toán các chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội. Có 4 huyện, thị: Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa và TX. Mường Lay đã bắt đầu cung cấp thuốc ARV thông qua nguồn BHYT. 9 tháng đầu năm, có 192 bệnh nhân nhiễm trên địa bàn tỉnh được mua BHYT từ nguồn ngân sách địa phương. Theo đúng kế hoạch, từ năm 2020 tại tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh sẽ đồng loạt triển khai cấp thuốc ARV thông qua nguồn BHYT cho bệnh nhân. Công tác chuẩn bị cho việc này đã được cơ quan phòng chống HIV/AIDS chủ động triển khai từ sớm.

Ông Vũ Hải Hùng cho biết thêm: Tại 4 huyện, thị đã triển khai cấp thuốc ARV qua nguồn BHYT đã ghi nhận một số vướng mắc nhỏ. Cụ thể là, trước kia người bệnh thường không sử dụng tên thật, địa chỉ chính xác khi đi kiểm tra, nhận thuốc. Nhưng khi chi trả qua BHYT thì việc này không được phép, vì vậy  cơ quan phòng chống HIV/AIDS và BHYT đã cùng phối hợp để tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi và chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân. Không giống như các trường hợp khác, việc làm thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Các cơ quan khác thường xây dựng kế hoạch làm thẻ định kỳ năm/lần, nhưng với bệnh nhân HIV, thì phải quanh năm, vào bất kỳ thời điểm nào. Chỉ cần phát hiện, dù chỉ 1 người cũng ngay lập tức làm thủ tục để bệnh nhân được hưởng quyền lợi và tránh mất dấu. Và cũng vì thế, việc rà soát hạn thẻ cũng luôn phải tỉ mỉ để đảm bảo trước khi thẻ hết hạn 1 tháng, bệnh nhân phải được làm thẻ mới... Thực tế là, 2.943 bệnh nhân HIV/AIDS đang sử dụng thuốc ARV ở tỉnh ta đã và đang được sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, xét nghiệm, sử dụng các thuốc nhiễm trùng cơ hội. Mốc từ năm 2020, chỉ là triển khai chi trả nốt từ bảo hiểm đối với thuốc ARV mà thôi. Về phía các cơ quan phòng chống HIV/AIDS, chúng tôi tin mọi công tác chuẩn bị đã chu đáo. Chỉ mong rằng, mỗi bệnh nhân hãy biết quý trọng sức khỏe của mình để có tương lai tốt đẹp hơn...

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top