Y tếPhòng, chống HIV

Cộng đồng chung tay phòng, chống HIV/AIDS

09:34 - Thứ Năm, 05/12/2019 Lượt xem: 28825 In bài viết

ĐBP - “Cùng hành động để kết thúc đại dịch AIDS” - đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 (10/11 - 10/12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12). Chủ đề này không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 và các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, mà nó còn nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS.

Ông Triệu Ðình Thành, Giám đốc Sở Y tế trao quà cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Ðể thực hiện được mục tiêu và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, ngoài đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm, như: Ðiều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, Buprenophine; cung cấp bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su; chương trình điều trị HIV/AIDS và dự phòng từ mẹ sang con… thì công tác truyền thông và sự chung tay từ cộng đồng là rất quan trọng. Do đó, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi và giúp đỡ những người nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Là một trong những đơn vị tích cực tham gia vào công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động tuyên truyền về phòng chống mua bán người, ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình... Tập trung truyền thông, ưu tiên nhóm người có nguy cơ cao, nhóm thanh thiếu niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với nhiều hình thức, như: Tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt tổ phụ nữ, câu lạc bộ phụ nữ, tổ chức hội thi… để chị em nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, có biện pháp tự bảo vệ mình, không kỳ thị và cùng giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Các cấp hội còn phối hợp với Trung tâm Y tế, dân số triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình… Ðồng thời, duy trì nguồn vốn quỹ quay vòng của nhóm Hoa hướng dương với 210 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ nhiễm HIV/AIDS vay vốn phát triển sản xuất. Ðặc biệt, trong Tháng Hành động phòng chống HIV/AIDS, các cấp hội đã tổ chức gần 100 buổi tuyên truyền cho trên 30.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có nguy cơ cao; lan tỏa thông điệp “K=K” (không phát hiện = không lây truyền) để người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị ARV; bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng chống HIV/AIDS; không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS… Vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ và tổ chức thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

Chị H.T.N, bản Nà Hỳ, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), chia sẻ: Cách đây 4 năm, sau khi xét nghiệm, tôi gần như suy sụp hoàn toàn khi biết mình bị nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy. Ban đầu khi biết mình nhiễm HIV, mọi người đều xa lánh, kỳ thị nên cuộc sống của 3 mẹ con trở nên hiu quạnh. Nhưng rồi khó khăn cũng qua, nhờ sự tư vấn của y, bác sĩ, Hội Phụ nữ, tôi đã đến cơ sở y tế để thăm khám, được hướng dẫn cách chăm sóc bản thân và điều trị bằng ARV. Tôi luôn nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và được hưởng những chính sách hỗ trợ đối với người nhiễm HIV/AIDS, như: Vay vốn, hỗ trợ nông cụ, giống sản xuất nông nghiệp…

Trong nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS thì vai trò của nhân viên tiếp cận cộng đồng cũng mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần hạn chế đại dịch HIV/AIDS. Bởi họ có thể là những người cùng cảnh ngộ, người thân, người quen, người sống cùng địa bàn với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV nên họ dễ cảm thông, chia sẻ, động viên, khuyến khích những người nguy cơ cao tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

Qua giới thiệu của cán bộ phụ trách nhóm tiếp cận cộng đồng, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), chúng tôi gặp anh Q.V.T, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo). Từ tháng 12/2014, anh T. tham gia vào hoạt động nhân viên tiếp cận cộng đồng của Dự án “Cộng đồng phòng chống HIV/AIDS các tỉnh phía Bắc”. Khi bắt đầu tham gia hoạt động, anh gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, bản thân cũng còn e dè. Nhưng nhờ kiên trì và chịu khó học hỏi nâng cao kiến thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, sau gần 4 năm tham gia dự án anh đã tiếp cận được hơn 600 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS, phát hiện 20 ca dương tính, ngoài ra anh còn chăm sóc hỗ trợ tại nhà cho hơn 60 ca bệnh. Anh Q.V.T chia sẻ: Trên địa bàn có rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cháu bé 6 tuổi bị nhiễm HIV lây từ mẹ sang con, bố mất sớm, mẹ bị đi tù, bé sống cùng ông bà ngoại đã già yếu nên rất khó khăn, cả bản xa lánh kỳ thị với bé. Từ khi phát hiện cháu bé đó, dù nắng hay mưa, tôi vẫn thường xuyên chở bé đi uống thuốc ARV, hiện bé vẫn khỏe mạnh và được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa; với cộng đồng bản sau khi được tuyên truyền, tư vấn đã hiểu biết về bệnh HIV/AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt. Từ khi tham gia dự án, được trải qua nhiều lớp tập huấn, học hỏi được nhiều kỹ năng, kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, tôi thấy mình trưởng thành hơn và tự tin với công việc mình đang làm.

Thông qua hoạt động truyền thông, công tác huy động cộng đồng cũng được các cấp, các ngành, quan tâm nhằm hỗ trợ người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng, như: Cục Phòng chống HIV/AIDS, Hội Chữ thập đỏ phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), nhóm thiện nguyện Thanh Hưng tặng 113 suất quà tết cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn; Dự án Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam và mạng lưới Hoa hướng dương tặng đồ dùng học tập cho 108 trẻ; hỗ trợ téc đựng nước, máy ép nước mía, giống gia cầm cho 12 người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn để họ mưu sinh... 

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV, đến nay số nhiễm mới của năm 2019 là 110 người, giảm 92% so với năm 2010; tỷ lệ nhiễm giảm từ 0,84% xuống còn 0,59%. Tỷ lệ nhiễm trong nhóm tiêm chích ma túy giảm từ 56% (năm 2010) xuống còn 26%, tỷ lệ nhiễm trong nhóm mại dâm giảm 11% , tỷ lệ nhiễm mới  ở trẻ em dưới 2%.

Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top