Y tếPhòng, chống HIV

Làm gì để tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy?

09:43 - Thứ Ba, 23/06/2020 Lượt xem: 48079 In bài viết

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, đa dạng hóa các loại hình cai nghiện từ cộng đồng đến các cơ sở cai nghiện ma túy.

Từng bước thực hiện xã hội hóa công tác điều trị, cai nghiện ma túy. Tính đến tháng 4-2020, TP HCM có hơn 80.000 người đang cai nghiện ma túy và có khoảng 15.000 người nghiện đang được quản lý. Trong đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đã tổ chức cho 5.707 người tham gia cai, quản lý 596 người.

Thành phố cũng đã thành lập mới 131 điểm tư vấn tại 18/24 quận, huyện, tiếp nhận, tư vấn cho 6.755 người. Ngoài ra, còn có 24 cơ sở điều trị bằng Methadone với 5.171 người tham gia điều trị mới, 15 cơ sở cai nghiện đang hoạt động và quản lý 13.237 người; có 12 cơ sở cai nghiện tự nguyện, đã tổ chức tiếp nhận mới 19.978 người, hiện nay đang quản lý 938 người.

Đối với cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, hiện có 9 cơ sở với 29.520 người cai nghiện ma túy bắt buộc. Thành phố cũng đã đưa 29.087 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào các cơ sở này. 

Hiện thành phố có 15 cơ sở cai nghiện với tổng công suất tiếp nhận là 23.340 người. Hiện nay, bước đầu thành phố đã hình thành được các mạng lưới kết nối đối với các dịch vụ can thiệp, giảm hại, thông qua đó hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy, người bán dâm, gắn với các chương trình, chính sách an sinh xã hội tại địa bàn để họ ổn định cuộc sống, không tái phạm. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên hiệu quả chưa như mong muốn.

Với chi phí dạy nghề 2 triệu đồng/người rất khó đào tạo được nghề.

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cho biết, với kinh phí để đào tạo nghề là 2 triệu/người tại trung tâm thì rất khó có được nghề ổn định. Đây là quy định trong Luật Phòng chống ma tuý 2008 (hơn 10 năm) đến nay vẫn giữ nguyên. “Hiện đào tạo nghề chính quy đi xin việc còn khó khăn, huống gì đào tạo nghề cho người nghiện ma tuý với kinh phí ít ỏi”, ông Du chia sẻ.

Sau khi học nghề và ra cộng đồng không tìm được việc làm theo như ý muốn và rất ít doanh nghiệp nào nhận những người có tiền sử nghiện ma tuý vào làm việc. 

Bên cạnh đó, phần lớn người nghiện ma tuý không có tính tự giác lao động nên có xin được việc làm thì chỉ được một thời gian rồi cũng nghỉ. “Chính vì vậy, việc gắn cai nghiện với giải quyết việc làm và ổn định việc làm cho người ma tuý những năm vừa qua hiệu quả không cao”, ông Du cho biết.

Mới đây, UBND TP HCM chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người cai nghiện, người sau cai nghiện theo quy định của Luật phòng, chống ma túy, sửa đổi bổ sung; phối hợp Thanh niên xung phong thành phố tiếp tục tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các trường, trung tâm, cơ sở xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, tư vấn cho người nghiện ma túy và người sau cai nghiện, nhằm hạn chế tình trạng trốn trường, trốn viện, thẩm lậu ma túy vào các trường, trung tâm, cơ sở xã hội.

UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương tổ chức triển khai với nhiều hoạt động tuyên truyền trong đợt cao điểm phòng, chống ma túy. Thành phố chỉ đạo cần phải nâng cao chất lượng công tác dự phòng và điều trị nghiện ma túy, tập trung nguồn lực cho các mô hình điều trị nghiện hiệu quả. 

Chú trọng phát triển các hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội dành cho người nghiện ma túy với mong muốn sau khi hoàn thành các chương trình cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, người đã cai nghiện ma túy được hỗ trợ học nghề, tìm kiếm việc làm tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, phòng tránh tái nghiện.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top