Y tếPhòng, chống HIV

Việt Nam tiến gần hơn cơ hội kết thúc bệnh AIDS

15:07 - Thứ Hai, 30/11/2020 Lượt xem: 42316 In bài viết

Nhờ những thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về vai trò lãnh đạo và cam kết chính trị mạnh mẽ trong đáp ứng với HIV trong suốt 30 năm qua.

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2020 là năm Việt Nam kỷ niệm 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, nhân dịp này, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có cuộc trao đổi với ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) khu vực châu Á – Thái Bình Dương về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Trên cương vị là người đã có nhiều năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông đánh giá thế nào về công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong suốt 30 năm qua?

Những chủ trương và định hướng quan trọng

Ông Eamonn Murphy: Xin chúc mừng những thành tựu to lớn của Việt Nam trong 30 năm phòng, chống HIV/AIDS! Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong phòng, chống HIV ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, một số điểm nổi bật đó là, Chỉ thị số 52-CT/TƯ và Chỉ thị số 54-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”. Đây là những chủ trương và định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước với công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Mới đây, Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được sửa đổi, bổ sung giúp cho Việt Nam tiến gần hơn cơ hội kết thúc bệnh AIDS.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).

Để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, khi ông Trương Vĩnh Trọng là Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm, đã đưa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vào Việt Nam, giúp hàng chục nghìn người tiêm chích ma túy không bị lây nhiễm HIV.

Tiếp sau đó, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm, đã quyết định đưa điều trị HIV vào bảo hiểm y tế để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho chương trình điều trị. Đây là một quyết định rất đúng đắn mang tính cấp thiết.

Đặc biệt, vào tháng 6/2016, bản thân tôi đã chứng kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy và mại dâm, đã đưa một người nhiễm HIV lên cùng phát biểu trước Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hành động đó của Phó Thủ tướng đã tác động to lớn tới toàn thế giới, giúp thúc đẩy quan hệ đối tác với cộng đồng trong phòng chống HIV, một cam kết mà Việt Nam đã luôn tôn trọng.

Gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thúc đẩy việc phê chuẩn Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam. Nhờ những thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về vai trò lãnh đạo và cam kết chính trị mạnh mẽ trong đáp ứng với HIV trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, bây giờ chưa phải là lúc chúng ta có thể nghỉ ngơi, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, cần phải nỗ lực để đạt được 100-100-100. Làm như vậy, chúng ta cũng sẽ thực hiện đúng truyền thống lâu đời của Việt Nam về tinh thần “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết”.

Trong suốt chặng đường 30 năm, ông có ấn tượng nhất với thành tựu, mô hình phòng, chống HIV/AIDS nào của Việt Nam?

Ông Eamonn Murphy: Từ khi còn làm việc ở Việt Nam cho đến nay, tôi đã chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức cộng đồng của người nhiễm HIV và những nhóm chịu ảnh hưởng chính bởi HIV ở Việt Nam, sự lớn mạnh cả về số lượng và năng lực của các tổ chức cộng đồng. Đây có thể nói là kết quả của chính sách khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của cộng đồng vào đáp ứng quốc gia với HIV, cũng như sự ủng hộ việc nâng cao năng lực cho cộng đồng tham gia phòng, chống HIV của Việt Nam.

Trong 30 năm qua, các tổ chức cộng đồng đã và đang tham gia cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ phòng, chống HIV thiết yếu, bao gồm: Tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm, chuyển gửi đến dịch vụ điều trị hoặc dự phòng phù hợp và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV. Tổ chức cộng đồng cũng đóng góp rất lớn trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, cả trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế.

Gần đây nhất, trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, sáng kiến và khả năng chống chịu, thích ứng của các tổ chức cộng đồng đã góp phần duy trì tiếp cận tới các dịch vụ phòng, chống HIV. Kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng làm “cánh tay nối dài” hiệu quả của hệ thống y tế rất cần được chia sẻ với các quốc gia khác, cả trong khu vực và trên toàn thế giới.

Duy trì bền vững thành quả tiến tới chấm dứt HIV/AIDS

Theo ông, Việt Nam cần phải có những giải pháp và chiến lược gì để duy trì những thành quả đã đạt được và tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030?

Ông Eamonn Murphy: Việt Nam đã và đang đi đầu trong việc sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế để cung cấp tài chính cho các dịch vụ về điều trị HIV. Việt Nam cũng đã đầu tư ngân sách nhà nước cho chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị để thí điểm đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV bằng nguồn ngân sách nhà nước đang từng bước triển khai, hướng tới duy trì bền vững hơn các dịch vụ phòng, chống HIV do tổ chức cộng đồng cung cấp.

Nhìn về phía trước, chặng đường 10 năm tiếp theo, điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị và đầu tư đầy đủ về nguồn lực con người và nguồn lực tài chính ở cấp quốc gia và địa phương cho đáp ứng với HIV.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần bảo đảm tính bao trùm trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân và củng cố hệ thống y tế, để đáp ứng được nhu cầu của người nhiễm HIV và người chịu ảnh hưởng chính bởi HIV/AIDS. Như vậy, Việt Nam mới có thể duy trì những thành quả đã đạt được và tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Xin ông cho biết, thời gian tới UNAIDS tiếp tục đồng hành với Việt Nam như thế nào để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

Ông Eamonn Murphy: UNAIDS sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam về chính sách, pháp luật cũng như về kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phòng chống HIV/AIDS, nhằm hướng tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, để AIDS không còn là mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, UNAIDS sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: Làm việc với cơ quan Quốc hội, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm, và các bộ, ngành liên quan để duy trì, củng cố cam kết chính trị và sự lãnh đạo mạnh mẽ trong công tác phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm môi trường luật pháp, chính sách thuận lợi để tiếp tục đưa vào triển khai và nhanh chóng mở rộng, cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS dựa trên các sáng kiến mới, xây dựng trên bằng chứng; hỗ trợ thu thập và cải thiện thông tin chiến lược về HIV để giúp đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đạt được hiệu suất và tác động tối ưu.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao năng lực và vị thế của cộng đồng người sống với HIV và những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV để cộng đồng có thể tham gia nhiều hơn, ý nghĩa hơn vào đáp ứng quốc gia với HIV/AIDS, đặc biệt là trong nỗ lực giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và xúc tiến các hoạt động trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm hay, thực hành tốt giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

UNAIDS sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm không người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đáp ứng với HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top