Xã hộiPhòng chống thiên tai

Phát huy vai trò chủ lực trong ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn

08:37 - Thứ Năm, 20/05/2021 Lượt xem: 3774 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, địa hình có độ dốc lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài thường gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đá; dông lốc kèm mưa đá; cháy rừng... ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông xảy ra mưa đá, giông lốc, sét, lũ quét làm chết 9 người, bị thương 5 người; làm sập, tốc mái 3.112 ngôi nhà; thiệt hại 517,64ha hoa màu và 40,93ha nuôi thủy sản; gây sạt lở 29 điểm giao thông, đường liên xã; ước tính thiệt hại khoảng 29 tỷ 836,1 triệu đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 70ha thảm thực vật và rừng phòng hộ; 27 vụ cháy nhà, 1 vụ cháy chợ làm chết 1 người và thiệt hại 12,195 tỷ đồng tài sản.

Lực lượng thường trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huấn luyện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Đức Hạnh (Bộ CHQS tỉnh)

Phát huy vai trò là lực lượng chủ lực trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp đặc điểm tình hình địa bàn. Nhất là việc quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết 02-NQ/ĐU, ngày 20/1/2015 của Đảng ủy Quân khu II về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Các đơn vị duy trì nghiêm công tác ứng trực, nắm tình hình để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch, phương án sát tình hình; nâng cao chất lượng huấn luyện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cho các đối tượng.

Đại tá Lưu Văn Duân, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn; coi đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội”. Do vậy, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai, sự cố. Công tác ứng phó thiên tai luôn được cơ quan quân sự các cấp sẵn sàng, không để xảy ra bị động trong mọi tình huống. Năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tập huấn cho 212 cán bộ về phương pháp chỉ huy và điều hành nhiệm vụ phòng chống thiên tai của đơn vị; huấn luyện ngoại khóa cho 298 quân nhân chuyên nghiệp, 204 chiến sĩ và gần 12.900 dân quân tự vệ về công tác cứu hộ cứu nạn. Tháng 4/2021, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Nhé tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập “Ứng phó cháy rừng và Tìm kiếm cứu nạn” tại xã Nậm Vì với sự tham gia của 231 người thuộc các lực lượng: Ban chỉ huy quân sự, dân quân, đoàn thể xã.

Năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố đã huy động 111 lượt cán bộ thường trực, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 52 lượt cán bộ chiến sĩ biên phòng, 668 lượt dân quân tự vệ; 490 lượt cán bộ các phòng, ban; 712 lượt cán bộ kiểm lâm, công an, 13 lượt phương tiện cùng Nhân dân tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy nhà. Điển hình như khi xảy ra vụ cháy thảm thực vật lúc 16 giờ 15 phút ngày 19/3/2021 tại bản Nà Púng, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ), Ban Chỉ huy quân sự thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 17 cán bộ quân sự thành phố, 5 kiểm lâm, 15 cảnh sát phòng cháy chữa cháy, 33 dân quân tự vệ, 50 cán bộ, đoàn thể địa phương cùng quần chúng Nhân dân tham gia dập lửa. Đến 17 giờ 45 phút cùng ngày đã khống chế hoàn toàn đám cháy. Ngày 31/3/2021, vào khoảng 14 giờ 30 phút xảy ra cháy rừng tại khu vực khoanh nuôi tái sinh thuộc bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), Ban Chỉ huy quân sự huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động 16 cán bộ thường trực, 32 dân quân, 20 công an, 8 cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ, 67 cán bộ địa phương cùng người dân ứng phó; sau 2 giờ nỗ lực đã dập tắt toàn bộ đám cháy.

Trước tình trạng biến đổi khí khậu ngày càng tăng, dự báo trong thời gian tới tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sắp đến mùa mưa lũ năm 2021. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường quán triệt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của người dân. Theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết, thủy văn, sự cố môi trường trên địa bàn để chủ động biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn về người, doanh trại, kho tàng, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị của đơn vị. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực trạng các hồ, đập, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá... để tham mưu UBND tỉnh có biện pháp di dời người dân đến khu vực an toàn.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top