Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chủ động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

09:00 - Thứ Hai, 05/07/2021 Lượt xem: 1098 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi, địa hình dốc, nhiều sông, suối, những năm gần đây thời tiết diễn biến cực đoan, tỉnh ta thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cảnh báo, chuẩn bị phương án phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) diễn tập phần cơ chế.

Năm 2020, thiên tai đã làm 4 người chết; 6 người bị thương; 3.489 nhà dân bị thiệt hại; gần 3.500ha cây nông nghiệp bị ngập úng (thiệt hại 100%); 6.451 con gia súc, gia cầm bị chết; 89,6ha ao cá bị cuốn trôi; 61 điểm trường, 2 trạm y tế, 6 cơ sở văn hóa và rất nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước 263 tỷ đồng. Năm 2021, tình hình thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Đến hết tháng 5/2021, ước thiệt hại toàn tỉnh do thiên tại khoảng 7,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Đặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thời điểm này bắt đầu cao điểm mùa mưa, trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét bất ngờ, đe dọa tính mạng con người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cho các phương án cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có thiên tai xảy ra. Đến nay, qua kiểm tra, cơ bản các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh một cách nghiêm túc, bài bản. Một số huyện đã triển khai diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Để chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, chính quyền các cấp đã tổ chức kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN); phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, cắt cử cán bộ thường trực theo dõi diễn biến thiên tai 24/7 từ ngày 5/5 đến 31/10 để đưa ra những cảnh báo kịp thời và tổ chức phương án phòng chống hiệu quả. Đồng thời, các địa phương ưu tiên nguồn kinh phí để nâng cao năng lực, hiệu quả trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và các công cụ hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các cấp thường xuyên thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn người dân thực hiện các phương án phòng chống. Tập trung vận động các hộ dân, nhóm dân cư sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét di chuyển ra chỗ ở mới an toàn hoặc di dời tạm người và tài sản đến nơi an toàn khi có mưa to, gió lớn.

Đến nay, 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh tổ chức các cuộc tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ xã, thôn bản; tập huấn cho quân nhân chuyên nghiệp và chiến sĩ theo giai đoạn, kết hợp lồng ghép tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn. Qua đó nâng cao phương pháp chỉ huy và điều hành của cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và TKCN. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Quân sự, công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm… bố trí lực lượng, sẵn sàng thực hiện các phương án ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Điện Biên Đông là huyện vùng cao có nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất. Những năm qua, huyện Điện Biên Đông thường xuyên chịu thiệt hại lớn do mưa lũ.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai và TKCN. Đầu mùa mưa, UBND huyện đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, rà soát công tác phòng chống thiên tai và TKCN tại 100% xã, thị trấn. Đến nay, chính quyền cấp xã đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã đã tăng cường tuyên truyền vận động, hỗ trợ các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm như: Gần sông suối, khu vực có nguy cơ sạt lở đất di chuyển hẳn hoặc di chuyển tạm thời đến nơi an toàn để hạn chế thiệt hại. Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức thành công diễn tập công tác phòng chống thiên tai và TKCN tại 2 xã Pu Nhi và Mường Luân. Quan đó, nâng cao nhận thức, kỹ năng, kỹ thuật và tiến hành thuần thục các phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, UBND huyện Điện Biên Đông đang triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để di dời các bản, nhóm dân cư thuộc khu vực nguy cơ sạt lở tại 2 xã Xa Dung và Tìa Dình.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top