Xã hộiPhòng chống thiên tai

Góc nhìn - Tiêu điểm

Tự cứu mình

10:19 - Thứ Bảy, 17/07/2021 Lượt xem: 2827 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa lũ đang thời gian cao điểm! Trước mùa mưa lũ hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có công tác thông tin, tuyên truyền. Cơ quan chức năng đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tích cực tuyên truyền về PCTT; thông báo các văn bản chỉ đạo và diễn biến thời tiết... Song đánh giá thẳng thắn thì hiệu quả tuyên truyền chưa cao; nhận thức về nguy cơ, hậu quả và PCTT của các tầng lớp nhân dân không đồng đều. Nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng cao, dân tộc thiểu số, kể cả cán bộ cơ sở còn hạn chế, bất cập.

Vấn đề nhận thức có ý nghĩa rất quan trọng, cần được xem xét, đánh giá sâu sát, khách quan.

Thiếu hiểu biết không chỉ hạn chế các biện pháp phòng ngừa, ứng phó mà còn trực tiếp dẫn đến những hậu quả nặng nề! Vụ sét đánh làm một người tử vong xảy ra trên địa bàn huyện Tuần Giáo đầu tháng 5/2021 là một ví dụ. Khi xảy ra mưa dông nếu nạn nhân nắm được kỹ năng phòng tránh, không trú ẩn dưới gốc cây to có lẽ đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc!

Hạn chế này cũng thuộc về nhiều người dân khác. “Cần làm gì khi gặp mưa dông, sấm sét?” Sẽ có nhiều người lúng túng trước câu hỏi này và chỉ số ít nói được các kỹ năng phòng tránh như: Tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây to, không dùng điện thoại; nếu trong nhà thì tránh xa cửa, ngắt cầu dao điện...

Người dân hiểu rõ nhất về các điều kiện và khó khăn trên địa bàn mình sinh sống khi thiên tai xảy ra. Khi được nâng cao nhận thức về PCTT sẽ giúp họ có sự chuẩn bị phòng, tránh thiên tai, tự bảo vệ bước đầu tính mạng và tài sản cho gia đình mình. Qua đó góp phần tăng khả năng chống chịu của cộng đồng cùng sinh sống trước khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Để đạt kết quả đó, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần sát sao nắm bắt thực tế địa bàn, điều kiện, hoàn cảnh của người dân để có biện pháp truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cụ thể, phù hợp. Công tác thông tin, truyền thông về diễn biến thời tiết, diễn biến thiên tai và chỉ đạo ứng phó, khắc phục của các cấp ngành phải thường xuyên, liên tục với hình thức đa dạng. Trong bối cảnh điện thoại di động đã phổ biến toàn dân, cùng với các phương tiện báo chí truyền thông, pa nô, khẩu hiệu... thì nhắn tin đến các thuê bao di động cũng là một biện pháp tốt. Khi người dân hiểu sẽ tin tưởng, tích cực hợp tác về PCTT.

Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6/4/2021). Trong Đề án có riêng một hợp phần (hợp phần III) về: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cũng là giải pháp khắc phục những hạn chế trước đây trong công tác phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về PCTT.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ từng có ý kiến: “Người dân phải có kỹ năng để tự cứu mình trước khi người khác đến cứu”. Quan điểm đó rất chính xác. Nhất là hiện nay tác động của biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng cực đoan, khó dự đoán. Nhưng để “tự cứu mình” thì người dân cần được trang bị kiến thức!

Duy Bình
Bình luận
Back To Top