Xã hộiPhòng chống thiên tai

Nâng cao nhận thức, hạn chế thiệt hại

08:00 - Thứ Hai, 30/08/2021 Lượt xem: 4241 In bài viết

ĐBP - Hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng phòng ngừa, ứng phó… là những nguyên nhân làm gia tăng rủi ro do thiên tai, thiệt hại về người và tài sản. Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, chính quyền các cấp, ngành đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân, chính quyền cấp cơ sở, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thành viên Tổ xung kích phòng chống thiên tai xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân tại thôn Bản Phô.

Đầu tháng 5/2021 xảy ra vụ việc 1 công nhân ở Tuần Giáo bị sét đánh tử vong khi trú mưa dưới gốc cây to. Vụ việc đau lòng này chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sự hạn chế nhận thức, thiếu kiến thức về kỹ năng xử lý, ứng phó với thiên tai của người dân. Thực tế đáng buồn này tồn tại chủ yếu tại các thôn, bản vùng cao - là những nơi có điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế. Tại các buổi lồng ghép tuyên truyền tại các thôn, bản vùng cao, khi được hỏi: “Gặp mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh, ông, bà sẽ làm gì khi đang ở ngoài trời” thì nhiều người tỏ ra lúng túng và không biết các kỹ năng như nhanh chóng trở về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt, không nên dùng điện thoại, tuyệt đối không trú mưa dưới cây... Một số người còn thừa nhận rằng lần đầu tiên nghe và tiếp cận với những kỹ năng ứng phó thiên tai như trên. Bên cạnh đó, tỉnh ta là tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt, nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở đất, xuất hiện lũ ống lũ quét vào mùa mưa tuy nhiên hiện nay, rất nhiều hộ dân vẫn dựng nhà, sinh sống ven các bờ sông, suối hoặc tại các mái tà luy đường giao thông dẫn đến nguy cơ rủi ro, thiệt hại khi có thiên tai xảy ra là rất lớn.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cảnh báo, góp phần nâng cao nhận thức và cảnh giác của cộng đồng về ứng phó với thiên tai. Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai sát với nhiệm vụ, thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương. Ông Phan Văn Vượng, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, phụ trách công tác PCTT&TKCN, Chi cục Thủy lợi cho biết: Hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tổ chức rà soát, thống kê các điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai như: sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… sau đó thông báo rộng rãi đến người dân trên địa bàn, đồng thời cắm biển cảnh báo góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân với các diễn biến của thời tiết, thiên tai. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho Ban chỉ huy các cấp và người dân trên địa bàn. Từ năm 2020 đến nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ cấp xã, bản tại 2 huyện: Mường Nhé và Tủa Chùa; 2 lớp tập huấn cho quân nhân chuyên nghiệp và chiến sỹ về công tác cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy các cấp kiện toàn, bổ sung và phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai. Hiện nay, 129/129 xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ xung kích phòng, chống thiên tai và hoạt động hiệu quả.

Tại huyện Tủa Chùa, từ đầu năm nay, tổ xung kích phòng chống thiên tai các xã đã thực hiện tuyên truyền, vận động thành công 4 hộ gia đình tại các xã: Lao Xả Phình, Huổi Só và Tả Sìn Thàng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi ở mới an toàn. Đồng thời, các tổ xung kích đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho hơn 20 hộ gia đình bị thiệt hại dựng lại nhà. Ông Tẩn A Đạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Những trận mưa to liên tiếp hồi tháng 6 vừa qua đã khiến đất đá bị sạt lở trôi vào khu vực nhà của gia đình ông Phàn A Nàn (thôn 1). Sau khi đi kiểm tra, đánh giá, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã nhận thấy nguy cơ sạt lở vẫn có thể tiếp tục xảy ra nên Ban chỉ huy xã đã chỉ đạo đội xung kích phòng chống thiên tai của xã đến tuyên truyền, vận động hộ ông Nàn di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau nhiều lần vận động, hộ ông Nàn đã đồng ý di chuyển người và tài sản đến nơi ở mới an toàn. Quá trình di chuyển, đội xung kích đã huy động lực lượng, hỗ trợ gia đình ông Nàn di chuyển và dựng lại nhà mới tại chỗ tái định cư.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top