Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

07:27 - Thứ Tư, 10/08/2022 Lượt xem: 1818 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 23/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư), tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo toàn diện các hoạt động phòng, chống thiên tai (PCTT) trên địa bàn, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Lực lượng PCTT và tìm kiếm cứu nạn huyện Mường Ảng khơi thông dòng chảy tại suối Nậm Ẳng, ngăn chặn nước lũ, đất đá vùi lấp hoa màu, đất nông nghiệp.

Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức do thiên tai gây ra, Tỉnh ủy đã quán triệt các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 113-KH/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan (băng rôn, khẩu hiệu), các lớp tập huấn… đã kịp thời thông tin cảnh báo, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai đến người dân. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho cán bộ cấp xã, bản tại 2 huyện Mường Nhé và Tủa Chùa. Tổ chức 2 lớp tập huấn cho 212 quân nhân chuyên nghiệp và chiến sĩ theo giai đoạn kết hợp lồng ghép tập huấn công tác cứu hộ cứu nạn, qua đó nâng cao phương pháp chỉ huy và điều hành của cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ PCTT của đơn vị. Tập huấn trực tuyến về công tác PCTT đến các huyện, thị xã, thành phố và 129 xã, phường; diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn cho 9 địa phương cấp xã...

Ông Nguyễn Đức Đặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Thực hiện chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, tỉnh tăng cường các biện pháp nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; nâng cao vai trò, năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai qua việc đầu tư, khai thác hiệu quả năng lực các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, xây dựng công cụ hỗ trợ tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp. Tỉnh trang bị các trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để xây dựng phòng họp trực tuyến đặt tại cơ quan thường trực PCTT của Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh bảo đảm kết nối phục vụ họp, hội nghị trực tuyến. Thuê bao dịch vụ 20 trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh góp phần chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đối với các khu vục dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên tiếp nhận, xử lý thông tin của các trạm khí tượng thủy văn cơ bản và các trạm đo mưa tự động trong, ngoài tỉnh. Chi cục Thủy lợi và các địa phương trong tỉnh chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác PCTT, như sử dụng website: vrain.vn hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng; vndms.dmc.gov.vn hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam; phongchongthientai.mard.gov.vn của Tổng cục Phòng, chống thiên tai; thuyloivietnam.vn hệ thống cơ sở dữ liệu về hồ đập thủy lợi... để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đối với các khu vực dễ bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến đối với tỉnh như: Lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, gió lốc, mưa đá...

Cùng với đó, tỉnh đã huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Kinh phí khắc phục thiên tai từ năm 2020 đến nay hơn 219,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 55 tỷ đồng; tỉnh đã huy động, hỗ trợ ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa khác gần 164,2 tỷ đồng) để các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai. Riêng từ đầu năm đến nay, nguồn Quỹ PCTT tỉnh hỗ trợ hơn 11,3 tỷ đồng cho 8 đơn vị cấp huyện và 1 đơn vị cấp tỉnh thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ các hoạt động ứng phó, phòng ngừa thiên tai trên địa bàn.

Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 42 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top