Xã hộiPhòng chống thiên tai

Nòng cốt trong ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

07:45 - Thứ Năm, 15/12/2022 Lượt xem: 2738 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, phối hợp cùng các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; làm sáng thêm phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ mới.

Các lực lượng tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích do mưa lũ tại công trường thi công thủy điện Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (ảnh chụp tháng 7/2022).

Thông tin có được, từ đầu năm đến nay, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 10 người chết, 4 người bị thương; thiệt hại 177 nhà dân, 2 trường học; hơn 164ha lúa, ngô bị thiệt hại, hơn 500 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, 12,18ha ao cá bị mất trắng; rét đậm làm 237 con trâu, bò bị chết... Ước tổng thiệt hại khoảng 22,517 tỷ đồng.

Lực lượng vũ trang tỉnh luôn xác định, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, việc tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh có nghị quyết lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng lực lượng, tiến hành phối hợp, hiệp đồng với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các lực lượng đóng quân trên địa bàn, thường xuyên nắm chắc mọi diễn biến khí hậu, thời tiết, thủy văn; sẵn sàng cơ động lực lượng đến những địa bàn trọng điểm. Đồng thời, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng, chống thiên tai với nhiều nội dung như: Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng; phương pháp cấp cứu người bị nạn, di chuyển người và cơ sở vật chất ra khỏi vùng sạt lở đất... Với phương châm “Tích cực, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả cao”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên duy trì bảo đảm hệ thống thông tin, liên lạc; tổ chức chặt chẽ chế độ trực ban, trực chiến, trực chỉ huy 24/24 giờ; kịp thời thông báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết để nhân dân chủ động tự phòng, chống và sẵn sàng tham gia ứng cứu.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan quân sự của 10 huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bổ sung các phương án phòng, chống thiên tai gắn với diễn tập khu vực phòng thủ; di dời, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của mỗi công dân, của mọi gia đình và toàn xã hội; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chủ động đối phó kịp thời khi thiên tai xảy ra. Khi xảy ra thiên tai trên địa bàn, LLVT tỉnh đã phối hợp với các lực lượng triển khai các giải pháp ứng cứu theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ người dân trong công tác khắc phục hậu quả, thăm hỏi động viên các gia đình bị ảnh hưởng, sớm ổn định cuộc sống. Đầu tháng 12, trên địa bàn xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) xảy ra vụ cháy nhà của gia đình ông Lò Văn Thắng ở bản Huổi Vang. Nhận được tin báo, với phương châm “4 tại chỗ” LLVT tỉnh gồm: Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Chà, Đồn Biên phòng Mường Mươn, dân quân, công an và nhiều người dân tham gia chữa cháy. Sau 1 giờ, đám cháy đã được khống chế.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức 90 lượt cán bộ thường trực, 306 lượt dân quân tự vệ, phối hợp 504 lượt cán bộ công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể xuống địa bàn phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương tham gia, hỗ trợ người dân ứng phó thiên tai; huy động 2 máy xúc, 3 máy bơm, 1 xuồng, 1 máy bơm khí tham gia khắc phục thiệt hại do giông lốc, lũ ống, sạt lở đất. Đồng thời, huy động 15 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự TP. Điện Biên Phủ; 22 dân quân tại chỗ tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Lực lượng vũ trang tỉnh đã di dời thành công 53 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thuộc các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa và TP. Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh đã huy động 249 lượt cán bộ, chiến sĩ với 404 công tham gia giúp dân phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; di dời 18 căn nhà, 79 người đến nơi an toàn. Hàng năm, các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình địa bàn quản lý. Đồng thời tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống, thiên tai; hướng dẫn người dân thực hiện các phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra, nhất là những hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top