Thổ Nhĩ Kỳ - Israel: Thấy gì sau việc bình thường hóa quan hệ?

08:36 - Thứ Ba, 23/08/2016 Lượt xem: 2674 In bài viết
"Tảng băng lớn" án ngữ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel suốt 6 năm qua đã được giải tỏa khi Ankara phê chuẩn thỏa thuận bình thường hóa quan hệ đã ký giữa hai nước hồi tháng 6-2016. Đây là tín hiệu tích cực nhằm đi tới việc chấm dứt mâu thuẫn kéo dài giữa hai quốc gia liên quan đến vụ lính biệt kích Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Gaza làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2010.

Theo thỏa thuận, Israel đã nhất trí xin lỗi và trong vòng 25 ngày tới sẽ bồi thường 20 triệu USD cho những người bị thương cùng gia đình nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này. Ngược lại, các cá nhân Israel liên quan đến vụ việc sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị phạt tiền. Israel cũng sẽ nới lỏng việc phong tỏa đối với Dải Gaza, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân trong vùng qua các cảng của nước này. Và trong thời gian tới, hai bên sẽ sớm bổ nhiệm đại sứ ở mỗi nước.

 

Bình thường hóa quan hệ ngoại giao mang lại lợi ích cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Việc tìm ra giải pháp cho những bất đồng không phải là yếu tố duy nhất khiến hai quốc gia này quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Theo giới phân tích, những diễn biến hiện nay trong khu vực là đòn bẩy hết sức quan trọng để cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận "hạ nhiệt". Về phía Israel, nếu để mối quan hệ với Ankara tiếp tục lao dốc, Tel Aviv có nguy cơ mất một người bạn Hồi giáo hiếm hoi trong khu vực khi các quốc gia Arab khác ở Trung Đông không có quan hệ ngoại giao với nước này vì những chính sách chiếm đóng và bất công mà Israel áp đặt với Nhà nước Palestine. Israel cần quan hệ tốt đẹp hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó nhờ Ankara ngăn chặn các phong trào chống lại Tel Aviv của lãnh đạo cấp cao Hamas từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ sứt mẻ giữa nước này với Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua khiến Ankara trở nên đơn độc. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Syria, Iran vốn đã coi Thổ Nhĩ Kỳ là một "hàng xóm khó chơi" ngay từ lúc làn sóng cách mạng "Mùa xuân Arab" khuynh đảo Trung Đông và Bắc Phi. Khi đó Ankara ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo, vốn là phong trào Hồi giáo lâu đời nhất, có ảnh hưởng nhất trong thế giới Ả Rập và là tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Ả Rập. Thời gian gần đây, mối lo ngại về sự trỗi dậy của Iran cũng là nhân tố thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau. Một điểm đáng chú ý là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ có thể sẽ mở đường cho các hợp đồng xây dựng đường ống chuyển khí đốt từ Israel sang EU trong bối cảnh Israel đang theo đuổi nhiều dự án về nguồn lực khí đốt tại khu vực Địa Trung Hải. Do đó, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ có thể sẽ là sự bắt đầu cho những hợp tác sắp tới về "vàng xanh" mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những nỗ lực làm hòa giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ không thể khỏa lấp được sự thật rằng, hai bên vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc. Nói cách khác, quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ dù có được hàn gắn cũng khó có thể trở lại thời điểm 6 năm trước. Gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều đưa ra chiến lược để theo đuổi những tham vọng riêng về vị thế trong khu vực. Điều này có nghĩa, hai bên đang tiến tới sự hòa giải nhưng sâu xa, những chính sách nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của nhau vẫn tồn tại. Giáo sư Chính trị học của Đại học Suleyman Sah ở Istanbul Cengiz Aktar nhận định: "Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là ví dụ điển hình của sự hội tụ lợi ích chứ không có chuyện hai nước đột nhiên cảm thấy ưa thích nhau".
Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top