Vì sao Nga rút bớt quân khỏi Syria?

09:34 - Thứ Hai, 09/01/2017 Lượt xem: 4540 In bài viết
Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đang đạt được những bước tiến lớn, đặc biệt sau lệnh ngừng bắn trên toàn Syria được thực hiện, Nga đã quyết định rút một phần lực lượng quân đội của mình ở Syria.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu rút dần lực lượng ở Syria theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Theo ông Gerasimov, bước đầu hạm đội hải quân Nga dẫn đầu bởi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, hoạt động ở ngoài khơi Syria tại Địa Trung Hải, sẽ là lực lượng đầu tiên rời khu vực xung đột trở về quân cảng Severomorsk của Nga. Tướng Andrei Kartapolov, Tư lệnh trưởng lực lượng viễn chinh Nga ở Syria cho biết "cụm tàu sân bay tấn công chủ lực đã hoàn thành nhiệm vụ quân sự được giao". Theo ông Andrei Kartapolov, kể từ khi được triển khai ở Syria tháng 11-2016, hạm đội hải quân gồm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tàu khu trục chống ngầm Severomorsk, tàu tên lửa Đô đốc Grigorovich và các tàu hậu cần kỹ thuật khác đã giúp cho lực lượng Nga tiêu diệt hơn 1.250 mục tiêu khủng bố và hỗ trợ hiệu quả cho quân Chính phủ Syria trong cuộc chiến giành lại thành phố chiến lược Aleppo.

 

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga.

Quyết định rút quân không phải là một động thái đột ngột bởi từ tháng 12-2016, Nga đã nhất trí giảm việc triển khai quân sự của nước này tại Syria theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn giữa các nhóm đối lập với Chính phủ Syria. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là trong những tháng qua, tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông đã có những bước tiến có lợi cho Nga. Kể từ khi tăng cường các chiến dịch ở Syria, Nga và quân Chính phủ Syria đã đạt được những chiến thắng quan trọng, trong đó thấy rõ nhất là việc giải phóng thành phố Aleppo khỏi lực lượng đối lập và lệnh ngừng bắn trên toàn Syria được triển khai. Thỏa thuận này được thông qua dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được một số chuyên gia khu vực nhận định là thỏa thuận ngừng bắn hiệu quả và tích cực nhất tại Syria từ trước tới nay. Thậm chí, một cuộc đàm phán hòa bình cho Syria giữa ba quốc gia là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã được lên lịch, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Nga coi hội nghị sắp diễn ra ở Astana có tầm quan trọng to lớn, tạo cơ hội cho các bên đang thực sự kiểm soát tình hình trên thực địa ngồi lại với nhau và có thể thực thi những nghĩa vụ của mình, song không phải để thay thế các nỗ lực hòa bình đã được Liên hợp quốc bảo trợ.

Ngay cả Mỹ - quốc gia đang dẫn đầu liên minh chống khủng bố tại Syria - cũng đã thừa nhận về thành công của lực lượng của Nga tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga tại Syria để ngăn chặn khả năng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đạt tiến bộ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, vào thời điểm hiện tại, để bình thường hóa tình hình ở Syria có thể thông qua đàm phán tại Geneva hay tại bất cứ nơi nào có thể tổ chức các cuộc đàm phán.

Rõ ràng, những thành công trên thực địa đã khiến Nga sẵn sàng rút một phần lực lượng về nước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Mátxcơva hoàn toàn "yên lòng" về tình hình tại quốc gia này. Tướng Kartapolov cho biết, chính quyền của Tổng thống V.Putin vẫn sẽ phòng thủ trên không nhờ vào hệ thống tên lửa hiện đại S-300 và S-400 đang được triển khai tại Syria. Bên cạnh đó, lệnh ngừng bắn do nước này và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ đổ vỡ khi các vụ đụng độ gần thủ đô Damascus những ngày qua đang đe dọa thỏa thuận. Phe đối lập Syria cũng lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, lực lượng này đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Syria về một lệnh ngừng bắn ở khu vực Wadi Barada, gần thủ đô Damacus. Do đó, xét trên tổng thể, tình hình hiện nay chưa đủ để có thể khiến Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi Trung Đông mà chỉ được áp dụng đối với lực lượng hải quân.

Phải khẳng định rằng, với những nỗ lực của Nga, tình hình Syria đã có những bước tiến triển tích cực. Tuy nhiên, điều khó khăn là phải duy trì được lệnh ngừng bắn trên toàn Syria để các cuộc đàm phán hòa bình tiếp tục được triển khai để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tàn khốc này.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top