Kịch bản nào cho nước Anh?

09:55 - Thứ Sáu, 13/01/2017 Lượt xem: 5885 In bài viết
Trong bối cảnh thời điểm nước Anh chuẩn bị tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 3 (Brexit) đang đến gần, chiến lược Brexit của Thủ tướng Theresa May cũng dần được hé lộ và dự kiến sẽ được công bố chi tiết trong vài tuần tới.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của năm mới 2017 với kênh Sky News, Thủ tướng T.May đã bác bỏ việc nước Anh sẽ đối mặt với “lựa chọn kép” giữa hạn chế người nhập cư và được ưu đãi tiếp cận thị trường chung của EU. Các nhà đầu tư cho rằng, các phát biểu của nữ Thủ tướng là dấu hiệu cho thấy nước Anh sẽ hướng đến kịch bản “Brexit cứng”. Dù rằng ngay sau đó bà T.May đã bác bỏ thông tin này nhưng không đủ để trấn an dư luận quốc tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo Luân Đôn sẽ phải chịu những rào cản khi thâm nhập khối thị trường chung của EU nếu nước này không chấp nhận nguyên tắc “4 tự do cơ bản” là sự tự do di chuyển trong khối đối với hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người trong quá trình đàm phán Brexit.

 

Bất cứ kịch bản Brexit nào xảy ra cũng sẽ tác động đến cả Anh và EU.

Tuyên bố mới của “bà đầm thép” nước Đức đã tạo thêm sức ép đối với nhà lãnh đạo xứ Sương mù trong bối cảnh có những ý kiến cho rằng, Luân Đôn đang “bối rối” trong chiến lược Brexit. Giới doanh nghiệp, các nhà lập pháp và lãnh đạo đối lập tại Anh đang kêu gọi Thủ tướng công bố cụ thể hơn những chính sách liên quan đến quá trình ra đi này. Tuy nhiên, sự chậm trễ có thể hiểu được khi việc đánh giá những tác động đến nước Anh là điều cần cân nhắc kỹ, bởi bất cứ một chi tiết bất lợi nào cũng sẽ đem đến những thiệt hại cho nước Anh trong quá trình đàm phán với EU.

Nước Anh dường như đã chuẩn bị tâm lý cho Brexit. Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney mới đây cho rằng, việc tách khỏi EU không còn là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định tài chính của Anh. Kinh tế Anh kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu khởi sắc nhờ vào sức tiêu dùng mạnh mẽ, sự cải thiện lớn về sản xuất công nghiệp và đầu tư kinh doanh. Đồng bảng giảm giá mạnh khoảng 17% so với USD ở khía cạnh nào đó đem đến những tác động tích cực. Lạm phát tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua là một tấm đệm chống đỡ các cú sốc, giúp tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Không chỉ có vậy, Brexit còn là động lực để Anh thúc đẩy hợp tác thương mại với Mỹ. 

Thế nhưng, với một sự kiện trọng đại như vậy, những thiệt hại là không thể tránh được với nước Anh, trong đó tác động đối với ngành tài chính, ngân hàng sẽ tương đối mạnh mẽ. Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 nhân viên đến từ các ngành tài chính, ngân hàng có trụ sở tại Anh chuyển sang làm việc tại EU sau Brexit. Điều này khiến nhiều công ty tài chính, đặc biệt là các ngân hàng quốc tế lên kế hoạch chuyển sang hoạt động ở những quốc gia thành viên EU khác. Trong khi đó, tranh luận giữa EU và Anh trong quá trình đàm phán Brexit sẽ dẫn đến đầu tư kém đi và thị trường lao động lao đao. Bên cạnh đó, một kịch bản "Brexit cứng" khi nước Anh hoàn toàn “dứt khoát đoạn tuyệt” EU còn gây sốc hơn nữa khi Anh sẽ không xây dựng một tư cách thành viên đặc biệt trong khối thị trường chung EU và không nhận được bất kỳ ưu đãi thương mại nào.

Còn đối với EU, Brexit khiến liên minh mất đi sức mạnh và làm các nhà lãnh đạo khu vực phải bận tâm nhiều hơn, trong khi danh sách những vấn đề liên minh này phải đương đầu vẫn đầy ắp. Nguy cơ về một kịch bản "Brexit cứng" sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu ở các nước có mối giao thương lớn với xứ Sương mù như Ireland, Hà Lan, Bỉ và Síp. Các quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Anh hay có quan hệ mật thiết với ngành ngân hàng nước này cũng có thể bị tác động tiêu cực. Nhìn chung, hậu quả kinh tế từ sự từ giã của nước Anh đối với EU trong ngắn hạn tuy không quá lớn nhưng sẽ làm trầm trọng hơn những điểm yếu cản trở tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực. Những rạn nứt chính trị trong EU về vấn đề Brexit sẽ gia tăng khi tiến trình này diễn ra gần như trùng thời điểm với các cuộc bầu cử quan trọng tại nhiều quốc gia.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top