Mỹ muốn gì ở Afghanistan?

09:35 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 7589 In bài viết
Hơn hai tháng sau khi trao quyền tự quyết quân số tại Afghanistan cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã phê duyệt đề xuất gửi thêm 4.000 binh sĩ tới quốc gia Nam Á này. Đây là động thái diễn ra ngay sau đề nghị bổ sung thêm quân lực từ Tướng John Nicholson, Tổng Chỉ huy các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan.

Cho dù quyết định trên hoàn toàn trái ngược với những gì ông D.Trump tuyên bố khi tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, song ông chủ mới của Nhà Trắng cho biết tuyên bố trên ra đời sau một thời gian tự nghiên cứu về Afghanistan “rất chi tiết và từ tất cả các góc độ”. Việc tăng gấp rưỡi số binh lính hiện vào khoảng 8.400 người tại Afghanistan được người đứng đầu nước Mỹ khẳng định là để ngăn chặn các tay súng Hồi giáo cực đoan biến quốc gia này thành cứ địa làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ.

 

Mỹ đang duy trì khoảng 8.400 binh sĩ tại Afghanistan.

Theo Tổng thống D.Trump, chiến lược mới dành cho Afghanistan và Nam Á chú trọng tới việc tiêu diệt hoàn toàn các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda ở Afghanistan, đồng thời ngăn chặn Taliban giành quyền kiểm soát nước này. Mỹ mong muốn bảo đảm được ba mục tiêu quan trọng đối với các hoạt động tại Afghanistan từ nay về sau.

Thứ nhất, Mỹ phải đạt được các kết quả “vinh dự và lâu dài”, xứng đáng với những tổn thất và hy sinh to lớn đã trải qua. Tính tới tháng 10-2016, đã có 2.386 lính Mỹ thiệt mạng và 20.049 người bị thương tại Afghanistan. Ngoài ra, 1.173 công dân Mỹ làm việc tại quốc gia này cũng đã thiệt mạng vì nhiều lý do khác nhau. Cùng với đó là mức chi lên tới 840 tỷ USD kể từ ngày đầu nổ súng tại quốc gia Nam Á. 

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tỏ ra hoài nghi về nỗ lực tăng cường quân số mới nhất, một phần do con số 4.000 binh sĩ được cho là không đủ để tạo ra sự thay đổi đáng kể về sức mạnh, cũng như khó góp phần cải thiện tình trạng an ninh hay bảo đảm ổn định tại đất nước này. Song, theo kế hoạch, binh lính tăng cường chủ yếu là các chuyên viên tập huấn cho quân đội Chính phủ Afghanistan và lực lượng hỗ trợ không quân.

Thứ hai, Mỹ cần tránh việc rút khỏi Afghanistan quá nhanh có thể để lại khoảng trống quyền lực, tạo điều kiện cho các phần tử khủng bố trỗi dậy. Cho tới nay, lực lượng quân đội Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn mới chỉ kiểm soát được 59,7% trong tổng số 407 quận, huyện trên khắp lãnh thổ nước này. Một số ý kiến cho rằng những nỗ lực của Washington trong việc tiêu diệt tận gốc các phần tử Taliban chưa thực sự đem lại hiệu quả triệt để. 

Thứ ba, đương kim Tổng thống Mỹ cũng cho rằng Washington cần duy trì sự ảnh hưởng và năng lực quân sự tại Trung Đông, nơi các mối đe dọa an ninh với xứ Cờ hoa rất lớn. Bên cạnh Afghanistan, những khu vực hẻo lánh và hiểm trở của Pakistan cũng được xem là thiên đường cho các nhóm khủng bố. Ngoài ra, nguy cơ đối đầu giữa hai quốc gia Nam Á có vũ khí hạt nhân là Pakistan và Ấn Độ cũng dễ bùng phát thành xung đột, điều Mỹ không mong muốn. 

Có thể thấy rằng, chiến lược mới của Tổng thống D.Trump đối với Afghanistan có sự tương đồng với chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền. Tuy nhiên, những kết quả đối với nỗ lực giải quyết cuộc chiến đã kéo dài 16 năm tại Afghanistan nói riêng và những mục tiêu khác của Mỹ tại khu vực Nam Á nói chung vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, mặc dù vị Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ từng khẳng định: “Chúng ta sẽ chiến đấu để chiến thắng”, nhưng giờ vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra bất cứ nhận định lạc quan nào.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top