Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng G20:

Cơ hội hóa giải bất đồng

10:54 - Thứ Hai, 18/06/2018 Lượt xem: 8833 In bài viết
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc. Tham dự Hội nghị lần này, ngoài các nền kinh tế thành viên còn có khách mời là Tây Ban Nha, Hà Lan, Chile, cùng chuyên gia đến từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Diễn ra tại Bariloche (Argentina), hội nghị năm nay tập trung thảo luận các chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang hệ thống năng lượng linh hoạt, minh bạch và sạch. Bên cạnh đó, các nước tham dự cũng đề cập tới những giải pháp nhằm giảm thiểu chính sách trợ giá đối với các loại nhiên liệu hóa thạch, hiệu quả sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo... trong bối cảnh các nước G20 (chiếm 2/3 dân số thế giới và 85% GDP toàn cầu) tiêu thụ tới 77% nguồn năng lượng thông thường và hơn 80% nguồn năng lượng tái tạo của thế giới.


Các bộ trưởng tham gia hội nghị đã thống nhất thúc đẩy tiếp cận năng lượng rộng rãi, hướng tới xóa bỏ sự khan hiếm năng lượng.

Trong phiên thảo luận, đại biểu các nước cho rằng, việc tiếp cận với dịch vụ năng lượng hiện đại là yêu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia, đồng thời khẳng định nguồn cung năng lượng là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đại diện Liên minh Châu Âu (EU) nhấn mạnh tới sự cần thiết trong việc chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển trên các cam kết hiện có của G20. 

Tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch là một đóng góp quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng là ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự, nhất là khi G20 đang phải “chịu trách nhiệm” đối với 80% khí thải CO2. 

Theo Tổng Giám đốc Chính sách năng lượng liên bang Đức Thorsten Herdan, mọi chuyển dịch tiến lên của các nền kinh tế đều cần tới khí đốt và bước tiếp theo loài người cần tính đến chính là việc phát triển các nguồn khí đốt tái tạo, ví dụ như hydro. Theo ông Herdan, việc chuyển đổi này, cùng với phương án loại bỏ sử dụng than đá sẽ giúp các quốc gia đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải đã đề ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2016. 

Tuy nhiên, quan điểm về than đá vấp phải sự phản đối của Mỹ, dù nước này đồng thuận mọi ý kiến về việc tìm kiếm nguồn năng lượng sạch thay thế. Phản ứng này không lạ bởi Washington đang tìm kiếm phương án cứu vãn ngành công nghiệp than và các nhà máy điện hạt nhân với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Với tư cách nước chủ nhà và Chủ tịch luân phiên của G20, Argentina đưa ra kiến nghị về việc giải quyết chi phí dịch vụ năng lượng và các vấn đề về khả năng tiếp cận, cũng như hướng đi mới trong việc thúc đẩy tiếp cận nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, ngân sách các nước G20 hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) đang cao gấp 4 lần con số mà cả thế giới chi cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch vẫn duy trì ở mức khoảng 80% năng lượng con người sử dụng trong nhiều thập kỉ qua. Vì thế, việc cân đối con số này để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nguồn năng lượng cũng là một nhiệm vụ cấp thiết mà các nước G20 cần theo đuổi.

Trong buổi họp báo, đại diện G20 là Đức và Nhật Bản cho biết, các nước cũng đã đạt được sự đồng thuận cao trong việc cam kết thúc đẩy tiếp cận năng lượng một cách rộng rãi, cũng như sự cần thiết phải xóa bỏ sự khan hiếm năng lượng, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế mang tính bền vững. 

Dù còn một số khác biệt, sự đồng thuận về các vấn đề cốt lõi trong hội nghị này là tín hiệu đáng mừng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G20 (sẽ diễn ra vào ngày 30-11 tới). Theo các nhà phân tích, cuộc gặp lần này là cơ hội để các nền kinh tế G20 hiểu nhau, giảm bớt căng thẳng, bất đồng trong các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và sử dụng nhiên liệu hóa thạch vốn trước đây từng gây nhiều tranh cãi.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top