Chính phủ Macedonia thông qua dự thảo luật về đổi tên nước

09:51 - Thứ Ba, 09/10/2018 Lượt xem: 10474 In bài viết
Ngày 8-10, Chính phủ Macedonia thông qua dự thảo luật về đổi tên nước như đã nhất trí với Hy Lạp và trình Quốc hội Macedonia thông qua.

 

Các nghị sĩ giải lao sau một phiên họp Quốc hội Macedonia

Tháng 6-2018, Macedonia và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận về việc đổi tên nước Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia (FYROM) thành Cộng hòa Bắc Macedonia nhằm chấm dứt bất đồng kéo dài suốt 27 năm giữa hai quốc gia láng giềng. Hy Lạp có một tỉnh ở miền bắc cũng mang tên Macedonia. Tranh cãi bùng phát từ năm 1991, khi Macedonia tách khỏi Cộng hòa Nam Tư. Cho rằng sự trùng tên này có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ, do đó Hy Lạp phản đối việc Macedonia gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), hai tổ chức mà Athens đang là thành viên.

Macedonia phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận ký kết với Hy Lạp cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc này. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận nêu trên đã không nhận được sự tham gia của số cử tri cần thiết cho nên Quốc hội Macedonia sẽ phải giải quyết vấn đề này.

Theo đó, liên minh cầm quyền tại Macedonia cần bảo đảm có ít nhất 2/3 nghị sĩ thông qua dự thảo luật về sửa đổi Hiến pháp. Được biết, liên minh cầm quyền hiện giữ 72 ghế trong 120 ghế Quốc hội Macedonia.

Thủ tướng Zoran Zaev cho biết, nếu Quốc hội Macedonia không thông qua dự thảo luật thì ông sẽ kêu gọi tiến hành bầu cử sớm. Sau khi phiên họp của Chính phủ kết thúc hôm qua, Người phát ngôn Chính phủ Macedonia Mile Boshnjakovski phát biểu tại cuộc họp báo: “Giờ đây, mọi đại biểu trong Quốc hội dù là thành viên của đảng nào cũng đều có trách nhiệm và nghĩa vụ lịch sử đối với người dân, đó là bảo đảm con đường của Macedonia hướng tới ổn định, an toàn và thịnh vượng kinh tế”.

Tuy nhiên, đảng đối lập VMRO-DPMNE theo chủ nghĩa dân tộc cho biết, với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, các thành viên của đảng này sẽ không bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp.

Chỉ có 34% cử tri tới bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra tại Macedonia ngày 30-9. Ủy ban Bầu cử Macedonia cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị do số cử tri tham gia bỏ phiếu thấp. Một cuộc trưng cầu dân ý hợp lệ phải có sự tham gia của ít nhất 50% cử tri có đủ tư cách bỏ phiếu.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top