Nhật Bản - Hàn Quốc: Căng thẳng thương mại gia tăng

10:02 - Thứ Sáu, 30/08/2019 Lượt xem: 6979 In bài viết

Nhật Bản đã chính thức thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, còn gọi là Danh sách Trắng.

Chính sách này đã được thông qua từ ngày 2-8 vừa qua, gần một tháng sau khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu công nghệ cao cần thiết đối với việc sản xuất chất bán dẫn và màn hình, vốn là thế mạnh của những tập đoàn hàng đầu xứ Kim chi như Samsung, LG hay SK.

Nhiều ngành công nghiệp thế mạnh của Hàn Quốc sẽ gặp khó khi nước này bị loại khỏi Danh sách Trắng của Nhật Bản.

Việc Tokyo kiên định trong lập trường với Seoul đã làm sâu sắc thêm những căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á. Thực tế, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu nảy sinh khúc mắc kể từ tháng 10-2018, khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho lao động nước này trong giai đoạn bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản thời kỳ thế chiến II. Phán quyết khiến Tokyo bất bình vì cho rằng vấn đề đã được giải quyết thông qua Hiệp ước quan hệ cơ bản Hàn Quốc và Nhật Bản được ký kết năm 1965.

Mâu thuẫn đó lan sang quan hệ thương mại mà đỉnh điểm là việc cả hai cùng loại đối phương ra khỏi danh sách đối tác thương mại được duy trì lâu nay. Việc bị Hàn Quốc “hạ cấp” xuống loại A-2 khiến thủ tục hải quan và thời gian kiểm duyệt thông quan hàng hóa Nhật Bản kéo dài hơn trước kia, ảnh hưởng tới khoảng 1.735 mặt hàng của nước này xuất khẩu sang xứ Kim chi. Những tác động tiêu cực đối với Seoul cũng nặng nề không kém.

Khi còn nằm trong Danh sách Trắng gồm 27 quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại của Nhật Bản, doanh nghiệp Hàn Quốc không cần qua các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt khi nhập khẩu từ xứ Hoa anh đào hơn 1.100 mặt hàng chiến lược có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Giờ đây, từng lô hàng xuất khẩu cho Seoul sẽ phải được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xem xét và phê duyệt, dẫn tới nhiều bất lợi về chi phí cũng như khả năng bảo đảm nguồn cung nguyên liệu kịp thời để phục vụ hoạt động sản xuất.

Để hạn chế phần nào rủi ro, các quan chức Hàn Quốc mới đây đã nhất trí sẽ chi khoảng 4,12 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào các mặt hàng của Nhật Bản, đồng thời tìm cách đa dạng nguồn cung từ các đối tác khác trên thế giới. Seoul thậm chí thành lập một ủy ban đặc biệt về công nghệ vật liệu, linh kiện, trang thiết bị gồm quan chức các ban, ngành hữu quan và chuyên gia hàng đầu đất nước để phục vụ chính sách trên. Tuy vậy, giới chuyên môn cho rằng, dù cần thiết nhưng nỗ lực này chắc chắn rất tốn kém về thời gian và tiền bạc bởi các mặt hàng được nhập khẩu từ Nhật Bản đa phần là các linh kiện công nghệ cao do nước này độc quyền sản xuất.

Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng, giới phân tích nhận định tình hình không hoàn toàn bế tắc. Là hai đối tác kinh tế và hai đồng minh quan trọng của nhau, Nhật Bản và Hàn Quốc thực chất không muốn tồn tại bất đồng. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đã kêu gọi Tokyo chấp nhận đối thoại để hàn gắn rạn nứt. Phó Cố vấn an ninh quốc gia nước này, Kim Hyun-chong cũng cho hay Seoul sẵn sàng xem xét khôi phục lại Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) nếu Tokyo “khắc phục sai lầm”. Ở phía bên kia, Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro từng khẳng định hai nước sẽ tìm được giải pháp bằng việc tăng cường thảo luận.

Những động thái từ hai bên cho thấy dẫu có “tiếng bấc tiếng chì” nhưng cả Tokyo và Seoul đều có thiện chí duy trì đối thoại nhằm giải quyết bất đồng. Đây là tia sáng để cộng đồng quốc tế hy vọng “sự cố” trong mối quan hệ giữa hai nước sẽ nhanh chóng khép lại để tránh gây thêm những tác động tiêu cực đến hai cường quốc kinh tế của châu Á cũng như tăng trưởng của khu vực.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top