Ẩn họa trên “vùng an toàn”

15:53 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 7825 In bài viết

Không ai có thể cứ mãi “làm việc tốt” một mình và cũng chẳng ai muốn làm như vậy. Một lần nữa, câu chuyện cũ và những điều kiện cũ lại đang được Thổ Nhĩ Kỳ xới lên nhằm đòi hỏi những quyền lợi mà họ xem là chính đáng. Và châu Âu lại bắt đầu có lý do để lo lắng.

“Con đập” của châu Âu

Nếu không nhận được những khoản hỗ trợ quốc tế thích đáng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét việc mở cửa biên giới, đồng nghĩa với việc một cơn thác người nhập cư ùa vào Liên minh châu Âu (EU). Ngày 5-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayipp Erdogan hé lộ khả năng đó và gợi lên những lo lắng không nhỏ cho giới chức các quốc gia cựu lục địa.

Thổ Nhĩ Kỳ đang làm tất cả để nâng cao vị thế.

3 năm qua, cuộc khủng hoảng người nhập cư - những con người sẵn sàng bất chấp sống chết, liều mạng vượt Địa Trung Hải từ Trung Đông hay Bắc Phi, để chạy trốn chiến tranh hoặc để tìm cơ hội đổi đời - đã không còn là tạo áp lực quá nặng nề lên EU nữa và điều đó phần lớn là nhờ một thỏa thuận mang ý nghĩa then chốt với Ankara, tháng 3 năm 2016.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành một dạng “bộ lọc khổng lồ”, để tạm thời giữ chân những dòng thác người ấy bên ngoài biên giới EU, phân loại, kiểm soát và sàng lọc họ, lo nơi ăn chốn ở cho họ... trước khi có những quyết định cuối cùng về số phận của họ.

Đó là thiện chí mà Ankara muốn bày tỏ để tiếp tục hành trình theo đuổi nguyện vọng trở thành một thành viên của EU trong tương lai. Hay ít nhất, cũng có thể hướng đến chuyện miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực “danh giá” và thịnh vượng ấy. Không chỉ vậy, Ankara còn mong muốn nhận được những khoản hỗ trợ tài chính cần thiết trị giá nhiều tỷ euro như thù lao thực thi cam kết của mình trong thỏa thuận kia.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Erdogan, “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng quốc tế mà cụ thể là EU”. Và hơn thế, 3 năm qua, chẳng những tiến trình hội nhập với EU của “chiếc cầu nối liền hai đại lục Á - Âu” vẫn “giậm chân tại chỗ” mà mối quan hệ giữa hai bên còn trở nên khá lạnh nhạt. EU (cũng như cả phương Tây, dẫn đầu là Mỹ) chỉ trích Ankara, bởi những biện pháp trấn áp cứng rắn dành cho các phần tử dính líu đến cuộc đảo chính hồi tháng 7-2016, còn dĩ nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đó là việc nội bộ của riêng mình.

 Và bây giờ, nếu những barriere trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - EU lại được mở tự do cho những người nhập cư bước qua, sẽ là điều gì ập tới nếu không phải những vấn đề cũ kỹ, những xáo trộn ghê gớm trong kết cấu xã hội, những xung đột cực kỳ nan giải giữa yêu cầu bảo đảm an ninh với các đòi hỏi nhân đạo... từng khiến châu Âu chia rẽ sâu sắc, mà tưởng chừng đã có thể lãng quên?

Ván bài lật ngửa

Nhưng tất nhiên, khả năng đó sẽ chỉ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã đi đến trạng thái không thể san lấp được các bất đồng. Hiện tại, mọi chuyện vẫn còn ở cách khá xa điểm “báo động đỏ” đó và vẫn hoàn toàn có thể được giải quyết bằng thiện chí, thông qua đối thoại.

Sức mạnh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Những quân bài đã lần lượt được lật lên. Ngay trước khi phát đi tín hiệu “hăm dọa” với viễn cảnh tồi tệ nhất dành cho EU (nếu không mở két và thực thi các điều khoản hỗ trợ tài chính), Thổ Nhĩ Kỳ đã có những tiếp xúc với Mỹ về một “vùng an toàn” rộng lớn cho những người nhập cư - một giải pháp có thể xem là khá hứa hẹn. Qua một cuộc điện đàm giữa người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin và Cố vấn An ninh Hoa  Kỳ John Bolton, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng mình “đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc gấp rút thực thi kế hoạch hành động chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ở Syria”.

Ý tưởng này được nêu lên vào đầu tháng trước, khi Ankara và Washington nhất trí thiết lập một trung tâm điều phối và quản lý vùng an toàn dự kiến dọc biên giới phía Đông Bắc của Syria - khu vực hiện do lực lượng dân quân Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.

Và sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ công khai mục tiêu của mình: Họ muốn xây dựng những nơi trú ngụ cho người nhập cư ở sâu khoảng 30km trong lãnh thổ Syria, những địa điểm sẽ cung cấp đủ cho người nhập cư các điều kiện sống bảo đảm yêu cầu nhân đạo. Ankara dự định sẽ hồi hương ít nhất 1 triệu người Syria về “an toàn khu” đó, khu vực trải dài trên suốt 450km biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến khi những tuyên bố này được đưa ra, theo Ankara, đã có khoảng 350.000 người tị nạn Syria được hồi hương về các địa điểm dự định. Hướng đi này rõ ràng là rất đáng chú ý. Nó không những giải tỏa được các áp lực về vấn đề nhân đạo đè nặng lên lương tri nhân đạo, mà ở tầm thấp hơn, nó khiến EU có thể yên tâm về sự bình yên của riêng mình trong tương lai.

Đó là việc cần làm. Vấn đề là, nói như Tổng thống Erdogan, đó không phải việc mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh vác một mình. Châu Âu cần phải bày tỏ cả trách nhiệm lẫn thiện chí nếu không muốn viễn cảnh tươi đẹp ấy phụt tắt (và được thay thế bằng một kịch bản hỗn loạn).

Đằng sau những phận người

Tháng trước, số người vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang EU tăng mạnh. Những ngày cuối tháng 8, hơn 600 người nhập cư đặt chân lên các bến cảng Hy Lạp cùng lúc - đợt di cư lớn nhất suốt 3 năm qua.

Một ván bài tàn nhẫn đã và đang được những người tham dự chơi một cách lạnh lùng suốt những năm qua, trên những phận đời lưu lạc, bị cuốn đi bởi binh lửa. Và điều đó sẽ còn tiếp diễn, bởi lợi ích cốt lõi của chính mình là mục tiêu tối thượng của bất cứ quốc gia nào, trong các mối quan hệ đối ngoại.

Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ “làm giá” với EU. Họ cũng đang “mặc cả” với Mỹ về quyền kiểm soát của mình tại các khu vực mà YPG đang đóng giữ. Thậm chí, ngày 31-8, Tổng thống Erdogan còn tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự xúc tiến các hoạt động riêng để thiết lập “vùng an toàn” trên biên giới Syria. Ankara coi YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) nhưng bất kể điều đó có đúng hay không thì YPG vẫn tiềm ẩn nguy cơ vùng lên đòi lập nước Kurdistan, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ không đời nào chấp nhận.

“Vùng an toàn” trên biên giới Syria.

Với danh nghĩa thiết lập “vùng an toàn” để đưa người nhập cư hồi hương, Ankara có thể kín đáo đòi hỏi Mỹ “lỏng tay” hậu thuẫn cho YPG. Song, cũng với danh nghĩa này, họ lại đang thể hiện rằng mình sẵn sàng làm nồng ấm lại một mối quan hệ đang bị sứt mẻ trầm trọng (đặc biệt là sau những tranh cãi tóe lửa về chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa tối tân S-400 của Nga).

Và “vùng an toàn” này, thực ra, nằm trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được quyền kiểm soát dải đất đó với việc không ngần ngại cho thiết giáp vượt qua biên giới tập kích các lực lượng chiến binh người Kurd hồi năm ngoái, bất chấp phản ứng gay gắt của chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Bây giờ, với lý do chăm lo cho những người tị nạn chiến tranh, tình trạng chiếm đóng không chính thức có thể sẽ còn được duy trì rất lâu.

Trong khi đó, EU sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về cách tiếp cận vấn đề của mình, đối với các điều khoản mà Ankara đòi hỏi. Nước Nga không muốn mối quan hệ tốt đẹp vừa được xây dựng lại bị xói mòn. Còn Mỹ, họ đương nhiên là thích việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cứ là một thành viên quan trọng của NATO hơn là đánh mất hoàn toàn một đồng minh hùng mạnh như vậy.

Và hàng nghìn trẻ em Syria vẫn không được đón ngày khai trường, khi giao tranh và xung đột - cội nguồn của những đợt di cư khổng lồ - vẫn còn hiện hữu trên mảnh đất đã kiệt quệ ấy.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top