Chiến tranh thương mại không ảnh hưởng đến RCEP

10:38 - Thứ Ba, 08/10/2019 Lượt xem: 6487 In bài viết

Tại Hội nghị bàn tròn Tầm nhìn ASEAN 2040 - Hướng tới Cộng đồng ASEAN quyết đoán và mạnh mẽ hơn (do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Báo The Bangkok Post đồng tổ chức), ngày 6-10, Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Paduka Lim Jock Hoi bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn thành về mặt nguyên tắc bất chấp thương chiến Mỹ - Trung đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Các nước tìm kiếm thỏa thuận chung tại Hội nghị bàn tròn Tầm nhìn ASEAN 2040. Ảnh: Bangkok Post

Cố vượt thách thức

Theo ông Lim Jok Hoi, quan trọng hơn cả là trong bối cảnh căng thẳng thương mại và các yếu tố bất trắc trên thị trường toàn cầu, ASEAN vẫn quyết tâm hoàn thành đàm phán RCEP. Hiệp hội cần có một cách tiếp cận thực tế. Tờ Bangkok Post ngày 7-10 dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Thái Lan thông báo những tiến triển đáng kể. Tính đến nay, các nước đã hoàn tất thêm 6 chương mới, nâng tổng số chương đã hoàn tất lên con số 13 trong số 20 chương của hiệp định này. Các nội dung còn lại dự kiến sẽ đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 9 được tổ chức ở Bangkok vào ngày 12-10 để tất cả các chương của RCEP sẽ được kết thúc vào cuối năm nay.

Quá trình đàm phán RCEP đã phải đối mặt với một số thách thức khi 16 nền kinh tế tham gia rất đa dạng về các mức độ phát triển kinh tế, mức độ ưu đãi và mức độ tham vọng. Ví dụ về giảm thuế và loại bỏ thuế quan, liên quan đến thương mại hàng hóa, trước đó, một số nước xem xét hai biểu thuế quan riêng biệt - một biểu điều chỉnh việc giảm thuế giữa các bên với các thỏa thuận thương mại hiện có và một biểu áp dụng để giảm thuế giữa các nền kinh tế không có FTA trước đó. Tuy nhiên, các bên liên quan của RCEP không đồng ý về việc họ muốn hạ thấp bao nhiêu rào cản và ngành công nghiệp hoặc tiểu ngành nào được miễn giảm thuế vì họ muốn bảo vệ một số ngành nhất định. 

Theo đuổi đến cùng

Việc tiếp cận thị trường nông sản vẫn là một điểm nghẽn giữa Ấn Độ, Australia và New Zealand. Thương mại dịch vụ là một ví dụ khác mà các quốc gia có những tranh luận căng thẳng. Ấn Độ muốn tiếp cận nhiều hơn với thị trường dịch vụ và lập luận cho sự di chuyển tự do hơn của các nhân viên dịch vụ, nhưng một số nền kinh tế ASEAN không sẵn sàng cung cấp các điều khoản này. Hơn nữa, các cuộc thảo luận về các quy tắc và quy định thương mại điện tử đã  nói lên bản chất đa dạng của các bên RCEP. Một số quốc gia đang phát triển không có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa ra các quy tắc này. Do đó, các nước này muốn tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Ngay cả ở các quốc gia có quy tắc thương mại điện tử, các quan điểm khác nhau vẫn tồn tại ở các khía cạnh cụ thể như yêu cầu nội địa hóa dữ liệu...

Mặc dù có những khó khăn, các quốc gia trong khu vực không dễ dàng từ bỏ RCEP vì khối này có tiềm năng lớn và đáng theo đuổi. Nếu hoàn tất, hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường khoảng 3,6 tỷ người tương đương 50% dân số toàn cầu, và đóng góp vào 32% GDP của thế giới. Nó cũng sẽ bao gồm 29% và 26% dòng chảy thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, một nghiên cứu ước tính rằng RCEP sẽ tăng thu nhập thực tế toàn cầu lên tới 286 tỷ USD mỗi năm nếu có hiệu lực vào năm 2030. Lợi ích này sẽ lớn gần gấp đôi so với CPTPP khi hiệp định này có hiệu lực vào cuối năm 2018. Ngoài ra, leo thang thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường động lực để kết thúc RCEP. Nói cách khác, những diễn tiến và sự không chắc chắn trong môi trường khu vực đã và đang làm tăng tầm quan trọng của FTA này. Các nền kinh tế khu vực ngày càng cho rằng RCEP không chỉ có thể cung cấp một giải pháp thay thế để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mà còn cho phép các nước chuẩn bị cho tác động của cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top