Thủ tướng Anh bị tố "lợi dụng" Nữ hoàng Elizabeth

09:31 - Thứ Ba, 15/10/2019 Lượt xem: 7797 In bài viết

Nữ hoàng Anh Elizabeth ngày 14-10 đã đề ra chương trình nghị sự của Thủ tướng Boris Johnson, bao gồm cả việc Brexit vào ngày 31-10 tới, một thỏa thuận với Liên minh châu Âu và một loạt các chính sách đối nội được đề ra nhằm giành lấy sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử dự kiến sắp diễn ra.

Nữ hoàng Anh Elizabeth đọc diễn văn trước Thượng viện Anh.

Bài diễn văn quan trọng của Nữ hoàng trong ngày 14-10 cũng đưa ra chi tiết về các dự luật sẽ được chính phủ Anh ban hành vào thời gian tới.

Tuy vậy, với việc Brexit đang khá ổn định trước thềm tuần đàm phán quan trọng cũng như một cuộc bầu cử khó đoán định có thể xảy ra trong thời gian sắp tới, các đảng đối lập cho biết ông Johnson đang “lạm dụng” Nữ hoàng Anh, vốn dĩ trung lập về chính trị, bằng cách yêu cầu bà đề ra chương trình nghị sự bầu cử.

Bài diễn văn cùng với các ghi chú kèm theo đưa ra một cái nhìn tổng quan về hơn 20 dự luật, bao gồm cả luật bắt buộc phải thi hành một thỏa thuận Brexit nếu như ông Johnson có thể đạt được đồng thuận với phía EU trong tuần này.

“Ưu tiên của chính phủ của tôi luôn luôn là đảm bảo việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31-10 tới”, Nữ hoàng Anh phát biểu trước Thượng viện Anh. “Chính phủ của tôi cũng dự định tiến tới một mối quan hệ đối tác mới với EU, dựa trên tự do thương mại và hợp tác thân thiện”.

Các kế hoạch của chính phủ bao gồm một kế hoạch về hệ thống nhập cư sau Brexit do ông Johnson đề xuất, những cải cách về tư pháp hình sự, thay đổi về chăm sóc sức khỏe, và một lời hứa về tăng đầu tư cho ví công nhằm kích thích tăng trưởng.

“Người dân đã mệt mỏi với sự bế tắc và chờ đợi sự thay đổi”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản kèm theo trong bài phát biểu. “Và họ không muốn chờ đợi Brexit được hoàn thành lâu hơn nữa”.

Tuy thế, nhiều chuyên gia cho rằng tương lai chính trị cũng như khả năng thực hiện bất kỳ chương trình nghị sự nào của ông Johnson đều còn chưa rõ ràng. Ông điều hành một chính phủ thiểu số và chưa từng giành chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu nào tại Quốc hội kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 7.

Tất cả các đảng phái ở Anh đều muốn một cuộc bầu cử sớm nhưng không đạt được đồng thuận về thời điểm tiến hành.

Đảng Lao động đối lập cho biết Nữ hoàng bị lợi dụng để truyền bá tuyên ngôn bầu cử của đảng Bảo thủ. Bài phát biểu của Nữ hoàng cũng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi tại Quốc hội Anh.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top