Mỹ duy trì lực lượng quân sự tại Syria: Kịch bản khó đoán định

09:29 - Thứ Năm, 31/10/2019 Lượt xem: 7158 In bài viết

Trong cuộc họp báo mới đây tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố nước này sẽ duy trì hiện diện quân sự để ngăn cản các lực lượng bên ngoài tiếp cận những mỏ dầu mà Washington đang bảo vệ ở Đông Bắc Syria. Động thái này được giới phân tích xem là "kịch bản khó đoán định" bởi nó hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi Syria.

Mỹ có quá nhiều lý do liên quan tới lợi ích quốc gia để duy trì sự hiện diện tại Syria.

Trên thực địa, Mỹ ngay lập tức triển khai 500 binh lính và các trang thiết bị, khí tài ở vùng chiến sự Idlib (Syria). Theo Bộ trưởng Esper, Washington sẽ ngăn chặn không chỉ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà bất kỳ lực lượng nào khác, kể cả Nga và Syria, tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng thuộc khu vực trên. Mỹ cho rằng, việc bảo vệ như vậy là cần thiết để giúp Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) tiếp cận các mỏ dầu, từ đó củng cố nguồn tài chính để tự trang bị vũ trang cho binh sĩ, qua đó hỗ trợ Mỹ đánh bại IS. Thậm chí, Washington còn khẳng định, quân đội Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng nguồn lực quân sự áp đảo để đáp trả bất kỳ tổ chức nào đe dọa sự an toàn của binh lính Mỹ tại khu vực.

Trước các hành động có tính "tiền hậu bất nhất", các nhà phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến Mỹ phải tiếp tục duy trì quân đội tại Idlib. Trước hết, sự hiện diện quân sự tại Idlib không chỉ giúp Washington cân bằng lực lượng với Nga trong khu vực mà còn ngăn chặn chính quyền Syria bắt tay với SDF để hưởng lợi từ việc khai thác các mỏ dầu ở khu vực vốn chiếm tới 90% trữ lượng dầu của Syria.

Thứ hai, nếu liên minh giữa chính quyền Syria với SDF được củng cố vững chắc có thể sẽ quay sang chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thành viên NATO và là đồng minh của Washington.

Thứ ba, việc duy trì một phần quân đội sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump phần nào tránh được những chỉ trích từ nội bộ nước Mỹ, cũng như từ các đồng minh liên quan tới quyết định rút quân khỏi Syria. Thêm nữa, việc Washington mới đây đã tiêu diệt Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi rất có thể dẫn tới những hành động trả đũa nhất định. Do đó, việc duy trì quân sự tại Syria cũng là cách để Mỹ tự phòng vệ trước các đòn trả đũa của IS.

Động thái mới của Mỹ lập tức vấp phải sự phản đối từ Nga và Iran. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, mọi hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia có chủ quyền không có sự cho phép của quốc gia đó đều là bất hợp pháp, và việc bảo vệ các nguồn dự trữ dầu mỏ khỏi tay IS chỉ là cái cớ để Mỹ quay trở lại Syria. Phía Nga cũng cáo buộc, nguồn thu từ buôn lậu dầu thô khỏi Syria thông qua các công ty môi giới đang chuyển thẳng tới các tài khoản của binh lính Mỹ và nhân viên quân sự của nước này. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng nêu quan điểm như vậy tại một buổi họp báo sau cuộc gặp với hai người đồng cấp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dư luận cho rằng "các kịch bản" mà Mỹ đang áp dụng có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc rút quân hoàn toàn khỏi khu vực Trung Đông. Các căn cứ của Mỹ ở vùng Vịnh cũng được dịch chuyển phù hợp với những lời hứa mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Nhưng thực tế lợi ích quốc gia và chiến lược của nước Mỹ với Syria, Trung Đông đã và sẽ không thay đổi dù ông Donald Trump hay ai làm tổng thống. Mặc dù muốn chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ ra nước ngoài nhưng lợi ích từ các mỏ dầu ở phía Đông Syria, cũng như việc duy trì quan hệ với các đồng minh chiến lược ở Trung Đông sẽ khiến ông Donald Trump phải kiên định hiện diện quân sự tại khu vực này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top