Thỏa thuận hạt nhân Iran: “Chỉ mành treo chuông”

15:21 - Thứ Hai, 18/11/2019 Lượt xem: 6064 In bài viết

Chỉ một tuần sau khi nối lại hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở Fordow, Iran đã khẳng định đạt thành tựu hạt nhân với kho dự trữ uranium làm giàu đạt trên 500kg. Đây không chỉ là một bước lùi của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, mà còn khiến dư luận thế giới lo ngại về khả năng Tehran sẽ hướng tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Cơ sở hạt nhân Fordow ở Đông Bắc Iran.

Theo các nhà phân tích, bước đi cứng rắn của Iran nhằm đáp lại trừng phạt mới của Mỹ, đồng thời gây áp lực với các đồng minh của Washington ở châu Âu, gồm Pháp, Đức và Anh cũng như Liên minh châu Âu (EU) - những bên muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân, buộc các đối tác này phải can thiệp để bảo đảm những lợi ích cho Iran.

Kể từ khi Nhà Trắng rút khỏi JCPOA, Tehran liên tục đưa ra lời chỉ trích châu Âu không thực thi đầy đủ các cam kết để duy trì thỏa thuận này. Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho rằng, hầu hết mọi nỗ lực chỉ xuất phát từ phía Iran khiến cho JCPOA giờ chỉ là "con đường một chiều". Thậm chí, nhiều nhà phân tích còn nhận định JCPOA đã trở thành “mảnh đất vô chủ” và nguy cơ sụp đổ đang đến gần.

Khi triển vọng đàm phán giữa các bên liên quan tới thỏa thuận này ngày càng mờ mịt thì mối lo ngại về những hệ lụy gây ra bởi sự đổ vỡ của JCPOA liên tục gia tăng. Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Tehran chỉ được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Với mức 500kg như hiện nay, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng, Iran đã vi phạm các cam kết của thỏa thuận, bao gồm cả mức độ làm giàu uranium, dự trữ uranium làm giàu và làm giàu bằng máy ly tâm tiên tiến. Hiện tại, vẫn chưa rõ việc giảm bớt các cam kết đối với JCPOA nhằm gây sức ép lên Mỹ và EU hay mục tiêu cuối cùng của Tehran là chế tạo thành công một quả bom nguyên tử.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Tướng Amir Hatami tuyên bố rằng, cách thức duy nhất để có thể đối phó hiệu quả với các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này là dựa vào việc tăng cường nội lực trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng. Theo Tướng Hatami, Iran đã trở thành một cường quốc ở khu vực nhờ vào tầm ảnh hưởng và khả năng kháng cự.

Còn Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố, Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ, đồng thời khẳng định cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Theo ông Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares, để tạo ra một quả bom nguyên tử, Tehran sẽ cần tới 1.050kg uranium làm giàu cấp độ thấp. Sau đó, họ cần phải làm giàu thêm số uranium này sao cho đạt tới 90% tinh khiết bằng cách sử dụng máy ly tâm để thu được 25kg uranium làm giàu cấp độ cao.

Các chuyên gia ước tính, Tehran sẽ mất khoảng một năm để làm giàu được uranium lên cấp độ có thể chế tạo bom hạt nhân, hay còn gọi là “mốc đột phá”. Và để đi từ “mốc đột phá” đến lúc thực sự sở hữu một vũ khí hạt nhân có thể sẽ chỉ mất từ vài tháng đến hơn một năm.

Từng được coi là bước ngoặt lịch sử có thể tháo “ngòi nổ” Trung Đông sau nhiều năm căng thẳng, số phận của JCPOA giờ đây đang trở nên mong manh như "chỉ mành treo chuông". Khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân, kèm theo đó là nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa Iran và Mỹ mà hậu quả khó có thể lường hết.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top