Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch HĐBA Liên hợp quốc từ tháng 1-2020

17:14 - Thứ Năm, 12/12/2019 Lượt xem: 8747 In bài viết

Sáng 12-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã chủ trì họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế tại buổi họp báo.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA trong hai tháng, tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Vị trí Chủ tịch HĐBA luân phiên hàng tháng, theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên. Khối lượng công việc rất lớn, nhất là trong tháng đầu tiên của một nhiệm kỳ. “Thông thường các thành viên có 1 năm chuẩn bị trước khi đảm trách vai trò này, nhưng ta chỉ có 6 tháng kể từ khi đắc cử”, Thứ trưởng Ngoại giao cho biết.

Dự kiến, trong lần thứ nhất giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 1-2020, ngoài những công việc bình thường, Việt Nam sẽ tổ chức một phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề Kỷ niệm 75 năm Liên Hợp Quốc, việc tuân thủ Hiến chương LHQ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thảo luận mở, thông báo, trao đổi thông tin liên quan đến chủ đề vai trò của việc hợp tác giữa HĐBA LHQ với các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó cũng sẽ có nội dung liên quan đến vai trò của tổ chức khu vực.

Về công tác chuẩn bị, Việt Nam ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện đường lối đối ngoại cũng như đối với đóng góp chung của LHQ, các Bộ, Ban, Ngành của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo cấp cao đã triển khai nhiều công việc. Trước hết là rà soát lại, xây dựng toàn bộ những hồ sơ cơ bản về từng vấn đề trong chương trình nghị sự của HĐBA LHQ. Thứ hai là xây dựng cơ chế phối hợp, tham vấn liên ngành đồng thời có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao trong việc xử lý công việc liên quan của Việt Nam ở HĐBA.

Về những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐBA, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, đóng góp của Việt Nam vào HĐBA dựa trên cơ sở là những chương trình nghị sự của Hội đồng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, hòa bình và phát triển vẫn là xu thế chính. Việt Nam mong muốn thúc đẩy hòa bình và phát triển. Các vấn đề được HĐBA xem xét chủ yếu là giải quyết những căng thẳng, xung đột tại nhiều khu vực. Hiện nay Việt Nam có quan hệ hữu nghị, chặt chẽ, đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều nước.

Với số phiếu ủng hộ 192/193, một mặt thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, đối tác sâu sắc giữa Việt Nam và các quốc gia, đồng thời cũng nói lên các quốc gia mong muốn Việt Nam đóng góp, sẵn sàng để Việt Nam đóng góp vào công việc chung của quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay trong quan hệ giữa các nước lớn có tiềm ẩn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của HĐBA.

Một số đánh gia cho rằng, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có sự chia rẽ giữa các nước lớn. Trong khi tình hình phức tạp ở một số khu vực trên thế giới chưa được giải quyết, xuất hiện thêm một số tình hình phức tạp ở những nơi khác. Như Tổng thư ký LHQ đánh giá, chủ nghĩa đa phương trên thế giới hiện nay đang gặp thách thức chưa từng có, như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hành động đơn phương trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, một vấn đề đáng lo ngại là xu hướng đe dọa sử dụng vũ lực.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách đối ngoại là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện cho phát triển đất nước. 

Tham gia vào HĐBA LHQ, Việt Nam sẽ góp phần phát huy vai trò của HĐBA, tạo môi trường, điều kiện quốc tế thuận lợi cho Việt Nam phát triển, đồng thời, qua đó thúc đẩy với các đối tác. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, về thành tựu và năng lực của Việt Nam.

Các ưu tiên trong tháng chủ tịch, Việt Nam dự kiến tiến hành cuộc thảo luận mở về vấn đề “Tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” nhân kỷ niệm 75 LHQ, cùng với đó là một cuộc briefing về vấn đề vai trò của các tổ chức khu vực trong hợp tác với HĐBA. Trong chương trình nghị sự cũng sẽ có trao đổi về vấn đề như quỹ của Iraq, vấn đề Syria, khu vực Trung Cận Đông…

Về gìn giữ hòa bình, LHQ cũng như các nước trên thế giới đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam, một số sĩ quan của Việt Nam cũng đã được LHQ tuyên dương, khen thưởng. Không chỉ trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã chuẩn bị và sẵn sàng gửi lực lượng công binh tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ. 

Thứ trưởng nói thêm, tham gia vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ có 3 hình thức cơ bản, là sĩ quan tham mưu hoặc quan sát viên, đơn vị bộ binh và lực lượng y tế, công binh…Ngoài ra, hiện nay Bộ Công an Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xem xét nghiêm túc gửi lực lượng tham gia trong lĩnh vực cảnh sát.

Với tư cách là thành viên không thường trực của HĐBA, một câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ giải quyết thế nào về các vấn đề phức tạp trên thế giới như Israel – Palestine, Ấn Độ - Pakistan… Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng đến những vấn đề nóng trên thế giới, chiếm phần lớn trong các đề mục chương trình nghị sự của HĐBA.

Việt Nam phải nghiên cứu rất rõ tình hình, lắng nghe quan điểm của các bên liên quan. Một nguyên tắc lớn và quan trọng là phải dựa trên Hiến chương LHQ, mục đích hàng đầu của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; tôn trọng độc lập chính trị, quyền dân tộc tự quyết của các quốc gia, dân tộc; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, sử dụng vũ lực. 

Bên cạnh đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của LHQ, cần tôn trọng những nghị quyết đã có của HĐBA và LHQ về các vấn đề có liên quan. Nhận thấy được quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan. 

Trong trường hợp một sự việc xảy ra, cần xem xét xem nó có vi phạm Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế hay không; đã có nghị quyết nào của HĐBA về hành động đó hay chưa; xem xét quan điểm của các nước có liên quan cũng như tổ chức trong khu vực.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top