Việt Nam xếp hạng cao về chống Covid-19

09:18 - Thứ Ba, 26/05/2020 Lượt xem: 6308 In bài viết

Trong sơ đồ đánh giá kết quả về mặt sức khỏe cộng đồng và kinh tế của quốc gia, trang politico.com đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác chống dịch Covid-19. Trong đó, Việt Nam được xếp hạng cao nhất, là quốc gia có tình trạng sức khỏe cộng đồng, cùng tình hình kinh tế tốt nhất trong bối cảnh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia đông dân nhất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị chết do Covid-19.

* Ngày 25-5, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp các cơ quan chức năng sở tại đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước an toàn. Ðây là những công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguyện vọng về nước, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người lao động hết hạn thị thực, đã kết thúc hợp đồng lao động và du học sinh đã hoàn thành chương trình học. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.

Trên chiều bay từ Việt Nam, máy bay của Vietnam Airlines kết hợp chở lô hàng viện trợ là khẩu trang y tế do Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

* Trang tin DW (Làn sóng Ðức) vừa có bài viết nêu rõ, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khả năng suy thoái ở một số quốc gia láng giềng, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Ðông - Nam Á, dù tốc độ giảm so với mức tăng trưởng 7% của năm 2019. Dẫn nhận định của Nhà kinh tế trưởng A.Mắc Cát-ti thuộc Công ty nghiên cứu và tư vấn Mekong Economics, bài viết nhấn mạnh, Việt Nam đã cho thế giới thấy năng lực xử lý mối đe dọa phức tạp như cuộc khủng hoảng Covid-19 một cách hiệu quả hơn so với hầu hết các nước châu Âu và Mỹ; đó là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài.

* Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục tung ra các gói biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và nền kinh tế nhằm khắc phục hậu quả dịch bệnh. Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In kêu gọi thực hiện chính sách tài chính năng động như trong thời chiến để đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Tổng thống đồng thời hối thúc việc nhanh chóng giải ngân các khoản ngân sách bổ sung.

* Nhật Bản xem xét một gói kích thích mới, trị giá hơn 929 tỷ USD, chủ yếu là cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Gói ngân sách bổ sung thứ hai này nhằm mở rộng chương trình cho vay dành cho doanh nghiệp thông qua các thể chế tài chính tư nhân và liên kết với nhà nước, cùng các chương trình cứu trợ tài chính khác.

* Phó Thủ tướng Thái-lan Xổm-kít Cha-tu-xri-pi-tắc cho biết, nông nghiệp, du lịch và chi tiêu công sẽ là động lực thúc đẩy khởi động lại nền kinh tế nước này trong nửa cuối năm 2020. Chính phủ Thái-lan hy vọng khôi phục hoạt động du lịch nội địa tại những tỉnh không còn ca mắc Covid-19 từ quý III tới.

* Bộ trưởng Cải cách Hành chính (PAN-RB) của In-đô-nê-xi-a Ð.Át-ma-gi cho biết, chính phủ nước này có thể sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội và chuẩn bị thực hiện kế hoạch hành động tiếp theo, dù chưa kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19. Theo đó, kịch bản "bình thường mới" sẽ được áp dụng, bắt đầu với khối cơ quan dân sự nhà nước.

* Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà trắng, ông K.Ha-xét cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể duy trì mức hai con số vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nước này tháng 11 tới. Theo Bộ Lao động Mỹ, hơn 38,6 triệu người Mỹ mất việc làm kể từ khi nền kinh tế số 1 thế giới đóng cửa vì Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 này có thể lên tới 23%.

* Thủ tướng Nga M.V.Mi-su-xtin chỉ đạo phân bổ 100 tỷ rúp (gần 1,4 tỷ USD) để hỗ trợ 56 chủ thể liên bang, những nơi mà nguồn thu từ các khoản thuế và phi thuế kể từ ngày 1-5 thấp hơn mức thu hai năm trước. Biện pháp này nhằm giúp cân bằng ngân sách các địa phương, trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị hạn chế do đại dịch.

* Bộ Tài chính Anh đồng ý triển khai kế hoạch cứu trợ các công ty có tầm quan trọng chiến lược, coi đây là "phương cách cuối cùng" sau khi mọi giải pháp khác không hiệu quả trong việc ứng phó tác động của dịch Covid-19. Bộ Tài chính Anh cho biết, có thể giải cứu các công ty mà sự sụp đổ sẽ "ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế".

* Trung tâm Nghiên cứu hợp tác an ninh mạng Ô-xtrây-li-a (CSCRC) công bố báo cáo đề nghị giới lập pháp chú trọng tới các giải pháp an ninh mạng chi phí thấp trong giai đoạn hậu Covid-19. Theo Giám đốc điều hành CSCRC, chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đối phó cuộc tiến công mạng.

* Chính phủ I-xra-en phê duyệt thêm gói hỗ trợ tài chính khoảng bốn tỷ USD nhằm giải quyết khủng hoảng kinh tế liên quan đại dịch Covid-19. Số tiền này nhằm phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp và đầu tư cho những dự án mới để tạo việc.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top