Mở cửa trường đại học và những sức ép tại Mỹ

15:17 - Thứ Sáu, 10/07/2020 Lượt xem: 6119 In bài viết

Ngày 8-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các trường học nếu không mở cửa trở lại cho học sinh đến trường trong mùa thu tới. Các nhà phân tích cho rằng, động thái trên nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nguyên nhân sâu xa hơn, sức ép này có thể nằm trong tính toán chính trị của ông chủ Nhà Trắng khi cuộc tái tranh cử tổng thống đang đến gần.

Sinh viên nước ngoài đang du học tại Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh mới của ICE.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm, nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu chuyển các khóa học sang hình thức trực tuyến toàn phần, trong đó có Đại học Harvard. Là người chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế dù số ca nhiễm Covid-19 đang tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi, Tổng thống D.Trump không ngần ngại cho biết sẽ gây sức ép nhằm kêu gọi chủ tịch các trường đại học và giới chức địa phương nối lại việc học tập trực tiếp. Ông D.Trump lập luận rằng, tại Đức, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và nhiều nước khác, các trường học đã mở lại và "không gặp bất cứ vấn đề gì".

Trước đó, cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) thậm chí đã ra thông báo về việc không cho phép sinh viên nước ngoài ở lại Mỹ nếu toàn bộ học kỳ mùa thu tới của họ được chuyển sang hình thức học trực tuyến. Nếu muốn tiếp tục cư trú hợp pháp tại Mỹ, sinh viên phải tìm cách chuyển đổi sang học tại một trường giảng dạy trực tiếp. Sắc lệnh này có thể ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang du học hoặc tham gia các chương trình đào tạo - trao đổi, cũng như các khóa học nghề hoặc phi học thuật ở Mỹ.

Đằng sau việc quyết tâm mở cửa lại trường học của ông chủ Nhà Trắng, bình luận viên Jill Filipovic của Đài CNN cho rằng, khi các trường cao đẳng, đại học chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến, chẳng khác gì truyền đi thông điệp rằng nước Mỹ chưa an toàn trước dịch Covid-19. Dù nhà lãnh đạo Mỹ liên tục khẳng định "vi rút SARS-CoV-2 sẽ biến mất", nhưng thực tế nhiều bang ở Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại, khiến họ phải dừng kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều này chắc chắn không đem lại bất cứ lợi ích gì cho cuộc đua vào Nhà Trắng của ông D.Trump.

Ở cấp độ lớn hơn, động thái của ICE cho thấy chính quyền của ông D.Trump đang dùng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy chương trình nghị sự chống người nhập cư lâu nay. Với hơn 130 nghìn ca tử vong liên quan đến vi rút SARS-CoV-2, Mỹ hiện là nước chịu tác động lớn nhất của đại dịch toàn cầu này. Chính quyền Tổng thống D.Trump đã đưa ra một loạt thay đổi với hệ thống nhập cư của Mỹ với lý do phòng, chống đại dịch Covid-19, dẫn đến việc ngăn chặn người nhập cư đến nước này. Tháng 6 vừa qua, nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ, ông D.Trump đã "đóng băng" việc cấp thẻ xanh đến cuối năm, loại thẻ định cư dài hạn tại Mỹ và một số thị thực việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Dẫu vậy, chính sách visa mới không chỉ ảnh hưởng tới các sinh viên quốc tế mà còn tác động tới cả người dân và lợi ích quốc gia Mỹ. Theo luật sư di trú Fiona McEntee, việc mất đi số lượng lớn sinh viên nước ngoài sẽ ảnh hưởng mạnh đến tài chính của các trường đại học của Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới cả những sinh viên trong nước.

Chỉ còn 4 tháng nữa là đến cuộc bầu cử, song nền kinh tế nước Mỹ vẫn không thể trở lại mức tăng trưởng việc làm và thu nhập như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Đây là mối đe dọa đối với cuộc tái tranh cử Tổng thống của ông D.Trump đang nằm ở những “thâm hụt đáng sợ” về tỷ lệ thất nghiệp, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái... Do đó chỉ có sớm đẩy lùi dịch bệnh, mở cửa trở lại đất nước, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới giúp ông nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top