'Phao cứu sinh'' cho người dân Syria

16:26 - Thứ Ba, 14/07/2020 Lượt xem: 2769 In bài viết

Sau nhiều lần bỏ phiếu thất bại, ngày 11-7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết cho phép nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria. Sự kiện này được giới quan sát nhìn nhận như chiếc "phao cứu sinh" cho người dân Syria ở phía Tây Bắc nước này, dù các chương trình viện trợ sẽ bị bó hẹp.

Một góc trại người tị nạn tại vùng Tây Bắc Syria.

Hằng năm, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều ra nghị quyết cấp phép vận chuyển cứu trợ cho Syria qua 4 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ, một với Jordan và một với Iraq. Tuy nhiên, từ tháng 1-2020, Hội đồng Bảo an đồng ý chỉ cấp phép vận chuyển qua 2 cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn 6 tháng mỗi lần. Cơ chế vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và y tế cho Syria thông qua 2 cửa khẩu đã chấm dứt hiệu lực từ ngày 10-7.

Để tiếp tục cung cấp hàng viện trợ nhân đạo theo những tuyến đường này, cần có sự gia hạn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, những nỗ lực viện trợ nhân đạo cho Syria đã liên tục vấp phải những rào cản trong hai cuộc bỏ phiếu vào các ngày 7 và 10-7, khi Nga và Trung Quốc đã không thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Đức và Bỉ soạn thảo. Hai nước này bác yêu cầu kéo dài hoạt động cứu trợ nhân đạo ở 2 cửa khẩu biên giới của Syria, mà chỉ được phép thực hiện tại 1 cửa khẩu theo nội dung nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu.

Theo nghị quyết trước đó, Liên hợp quốc cho phép vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới người dân Syria mà không cần chấp thuận của chính quyền Damascus. Song lâu nay cả Mátxcơva và Bắc Kinh cho rằng, việc Liên hợp quốc triển khai các phái bộ cứu trợ tới Syria là sự vi phạm chủ quyền của nước này.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia khẳng định, viện trợ xuyên biên giới không phải là "thần dược" cho vấn đề nhân đạo ở Syria. Phía Nga nhiều lần lo ngại các hoạt động viện trợ nhân đạo có thể bị các tay súng cực đoan lợi dụng cho mục đích riêng và đề nghị khi triển khai cần có sự phối hợp với chính quyền Syria. Trong khi đó, các nước phương Tây bác bỏ điều này, đồng thời nhấn mạnh hoạt động viện trợ xuyên biên giới là lựa chọn tin cậy duy nhất, vì dòng hàng viện trợ nhân đạo sẽ bị cản trở nếu Damascus kiểm soát.

Trước tình hình các bên không đồng thuận gia hạn nghị quyết, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo việc ngừng vận chuyển hàng nhân đạo xuyên biên giới tới Syria đang đe dọa tính mạng người dân tại khu vực Tây Bắc của nước này. Đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tới người dân Syria khi chỉ trong 6 tháng qua, đồng pound của Syria đã mất giá nhiều hơn so với lúc xảy ra cuộc nội chiến năm 2011.

Ông Lowcock cho biết có khoảng 2,8 triệu người, tương đương 70% dân số tại vùng Tây Bắc Syria, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp khi đa phần bị mất nhà cửa, phải sống trong các lều trại, đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng.

Trước tình hình trên, tối 11-7 (sáng 12-7 theo giờ Việt Nam), nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua với 12/15 phiếu thuận. Hội đồng Bảo an chỉ đạt được nhất trí về vấn đề này sau khi các bên nhượng bộ trước đề xuất của Nga về việc chỉ vận chuyển hàng cứu trợ qua một cửa khẩu.

Cuộc chiến kéo dài 9 năm tại Syria đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp nhất trong lịch sử của quốc gia Trung Đông này. Việc nối lại các hoạt động hỗ trợ nhân đạo sẽ giúp hệ thống y tế của Syria đủ sức chịu đựng một đợt bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng (nếu xảy ra). Quan trọng hơn, chiếc "phao cứu sinh" này sẽ góp phần giúp 9,3 triệu người dân Syria thoát khỏi cảnh đói nghèo, bệnh tật và mất an ninh lương thực một cách trầm trọng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top