Cần quyết tâm hành động

15:22 - Thứ Bảy, 25/07/2020 Lượt xem: 6190 In bài viết

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngừng tài trợ cho các dự án than, cảnh báo các mục tiêu thỏa thuận khí hậu ở Paris sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát nếu thế giới không theo đuổi sự phục hồi xanh sau Covid-19.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres.

Trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế bị tác động từ đại dịch Covid-19, các tỉnh của Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng nhà máy chạy bằng than trong nửa đầu năm 2020. Tình trạng này đã khiến Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngừng tài trợ cho các dự án than, cảnh báo các mục tiêu thỏa thuận khí hậu ở Paris sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát nếu thế giới không theo đuổi sự phục hồi xanh sau Covid-19.

Phát biểu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh hôm 23-7, ông Guterres cho biết, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là một giai đoạn quan trọng tạo nên thành công hoặc phá vỡ cam kết cắt giảm khí thải toàn cầu.

Theo TTK LHQ, là một siêu cường kinh tế, cách Trung Quốc khôi phục tăng trưởng sẽ có tác động lớn đến việc liệu chúng ta có thể hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5°C hay không.

Ông Guterres cho biết, hàng ngàn tỷ USD được chi cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 có thể đóng vai trò đẩy lùi nguy cơ gia tăng nhiệt độ toàn cầu nếu sử dụng các biện pháp tăng trưởng xanh.

Người đứng đầu LHQ thừa nhận, các chính phủ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phục hồi kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, nhưng ông kêu gọi hãy cố gắng tận dụng cơ hội lớn này để xây dựng lại một thế giới sạch hơn và công bằng hơn. Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác nên tiến tới chấm dứt việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và tài trợ cho các nhà máy sử dụng than.

Tiêu thụ than đã tăng trở lại ở Trung Quốc, sau một thời gian suy giảm trong giai đoạn 2014-2016. Lượng công suất điện than đã tăng mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát và xu hướng tiếp tục tăng tốc. Cho đến nay, ngành công nghiệp điện Trung Quốc đã đề xuất bổ sung hơn 40GW điện từ các nhà máy điện than mới xây dựng với lượng than sử dụng tương đương với tổng lượng than tiêu thụ của Nam Phi.

Theo dữ liệu do Cơ quan Giám sát năng lượng toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch, các tỉnh của Trung Quốc đã phê duyệt thêm công suất đốt than mới từ ngày 1-1 đến 15-6 năm nay bằng với cả năm 2018 và 2019 cộng lại. Là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, công suất sử dụng than của Trung Quốc có nguy cơ tăng phát thải vượt quá mức trước đại dịch.

Tháng trước, 6 bộ của Trung Quốc đã tuyên bố sự cần thiết phải ngăn chặn sản xuất than dư thừa và ưu tiên cho năng lượng sạch nhưng không có hành động cụ thể nào được đề xuất để kiềm chế việc gia tăng phê duyệt các dự án chạy than mới. Bắc Kinh tuyên bố sẽ công bố chiến lược giảm khí CO2 dài hạn trước cuối năm nay nhưng không đưa ra mốc thời gian để thực hiện. 

Theo ông Guterres, không có thứ gọi là “than sạch”, và than không nên có chỗ trong bất kỳ kế hoạch phục hồi kinh tế nào. Điều đáng lo ngại là các nhà máy điện than mới vẫn đang được lên kế hoạch xây dựng và nhận được tài trợ bất chấp thực tế là năng lượng tái tạo cung cấp việc làm nhiều gấp 3 lần, và hiện rẻ hơn than ở hầu hết các quốc gia. Trung Quốc đã triển khai nhiều dự án năng lượng mặt trời và gió hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong 5 năm qua, một nửa số xe điện thế giới đã được bán ở Trung Quốc và Trung Quốc sản xuất hầu như tất cả các xe buýt điện.

Theo TTK LHQ, nếu quyết hành động, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người dân.

P.V (Theo SGG)
Bình luận
Back To Top