Du lịch thế giới thiệt hại nặng

10:06 - Thứ Năm, 30/07/2020 Lượt xem: 6231 In bài viết

Do cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, ngành du lịch toàn cầu đã thiệt hại 320 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, cao gấp 3 lần so với khoản thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Bãi biển vắng khách tại Ibiza, Tây Ban Nha, do Covid-19.

Giảm 300 triệu lượt khách quốc tế

Nội dung này được đề cập trong thông báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization - WTO, trụ sở tại Tây Ban Nha) thuộc Liên hiệp quốc (LHQ) đưa ra ngày 28-7. Thông báo của WTO cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5, số lượng khách du lịch quốc tế giảm 300 triệu lượt, tức 56% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ các nước áp đặt biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch Covid-19. Lần gần đây, số lượng du khách nước ngoài giảm so với năm trước là vào năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến con số này giảm 4%.

Tổng thư ký WTO Zurab Pololikashvili lưu ý, ngành du lịch ảm đạm đe dọa đến kế sinh nhai của hàng triệu người. Ông nói với France 24: “Dữ liệu mới nhất này cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch ngay khi có thể”. Trong khi một số điểm du lịch đang dần mở cửa trở lại, cơ quan của LHQ này cảnh báo ngành du lịch đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng như nguy cơ virus tái bùng phát buộc nhà chức trách áp đặt lại các biện pháp phòng dịch, hạn chế du lịch và đóng cửa biên giới tại đa số các điểm du lịch. Tổ chức trên cho biết thêm 2 nước Mỹ và Trung Quốc đều là những điểm đến quan trọng của du khách nước ngoài nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ” trong việc mở lại ngành du lịch.

Tháng 5 vừa qua, WTO dự báo số lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm 60%-80% do dịch Covid-19 hoành hành. Năm 2019, số lượt khách du lịch nước ngoài tăng 4%, lên 1,5 tỷ lượt khách, trong đó Pháp là quốc gia đón nhiều du khách nhất trên thế giới, tiếp theo là Tây Ban Nha và Mỹ. Nay hầu hết các doanh nghiệp khách sạn và văn hóa của Pháp vẫn đang bị ảnh hưởng, với số lượt thăm bảo tàng Louvre giảm 60%.

Ngành hàng không chịu tác động mạnh

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) vào ngày 28-7, hàng không toàn cầu sẽ không trở lại mức trước Covid-19 cho đến ít nhất là năm 2024, muộn hơn một năm so với dự báo trước đó. Một trong những lý do được IATA minh họa cho triển vọng “bi quan hơn” là phản ứng chậm của Mỹ (nước chiếm 40% thị trường du lịch hàng không toàn cầu) và các nền kinh tế đang phát triển trong việc ngăn chặn virus. IATA lưu ý: “Mặc dù các nền kinh tế phát triển bên ngoài Mỹ đã thành công lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nhưng hiện các đợt bùng phát mới đã xảy ra”. Cũng theo IATA, có rất ít dấu hiệu tiến triển về ngăn chặn Covid-19 ở nhiều nền kinh tế mới nổi quan trọng.

Tổ chức này tính toán, giao thông hàng không sẽ giảm 55% vào năm 2020 so với năm 2019 và nhấn mạnh, mặc dù số lượng hành khách sẽ tăng trở lại 62% vào năm 2021, nhưng vẫn sẽ giảm gần 1/3 so với năm 2019. Hàng không toàn cầu đã giảm 96,8% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. IATA nhấn mạnh: “Những tiến bộ khoa học trong việc chống lại Covid-19 bao gồm phát triển vaccine thành công, có thể cho phép phục hồi hàng không nhanh hơn. Tuy nhiên, hiện tại dường như có nhiều rủi ro hơn so với dự báo trước đó”.

Theo ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA, lượng khách du lịch hàng không toàn cầu chiếm 2/3 tổng lượng khách hàng không quốc tế trong thời gian bình thường. Mùa hè, thường là mùa kinh doanh, lại càng thiệt hại hơn vì nhiều quốc gia vẫn đóng cửa do Covid-19. Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã hỗ trợ cho các hãng vận tải hàng không quốc gia của họ. Air France đã được cấp một khoản cứu trợ nhà nước trị giá 7 tỷ EUR nhưng vẫn tuyên bố sẽ phải cắt 7.500 việc làm để thoát khỏi tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng. KLM, hãng vận chuyển của Hà Lan, sẽ nhận được 3,4 tỷ EUR tiền tài trợ từ các kho bạc nhà nước, trong khi Đức đã phê duyệt kế hoạch giải cứu trị giá 9 tỷ EUR cho Lufthansa.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top