Phòng, chống dịch Covid-19: Những ''lỗ hổng'' cần khắc phục

09:24 - Thứ Bảy, 01/08/2020 Lượt xem: 4792 In bài viết

Đã 7 tháng trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, mức độ lây lan của vi rút SARS-CoV-2 chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", thậm chí còn tăng tốc khiến nhiều quốc gia chao đảo trong làn sóng dịch bệnh thứ 2. Để ngăn chặn những đợt tái bùng phát tiếp theo của loại vi rút chết người này, các chuyên gia đã chỉ ra những “lỗ hổng” cần khắc phục.

Những dòng người di cư bất hợp pháp là nguyên nhân làm gia tăng tốc độ lây lan dịch Covid-19.

Theo dõi số lượng ca mắc Covid-19 trên toàn cầu thời gian gần đây, có thể thấy rằng, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 2 hoặc thứ 3. Ở Mỹ, quốc gia từng ghi nhận số ca mắc mới giảm xuống 20.000 ca/ngày liên tiếp trong nhiều tuần, thì nay đã tăng mạnh trở lại, lên tới 68.166 ca vào ngày 30-7. Tại khu vực Mỹ Latinh, số người mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 4 triệu người, với một số điểm nóng đáng chú ý như: Brazil, Mexico. Trong khi đó, khoảng 30 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến…

Giới chuyên gia y tế nhận định, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chưa có bất cứ thời điểm nào các quốc gia ở 2 lục địa này loại bỏ được vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng lệnh phong tỏa và kiểm soát ngặt nghèo, từ giữa tháng 3 đến tháng 6-2020, châu Âu đã xây dựng được một chiến lược truy vết và bao vây các ổ dịch hiệu quả, qua đó kiểm soát tương đối tốt tình hình. Người dân châu Âu cũng có ý thức tốt hơn trước kia, chịu khó đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nơi công cộng. Tại Mỹ, dù những biện pháp ngăn chặn đại dịch không được thực hiện quyết liệt như một số nước châu Âu, song vẫn phát huy tác dụng.

Nói về nguyên nhân số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng đột biến tại châu Âu và châu Mỹ những ngày qua, các chuyên gia y tế cho rằng sự gia tăng trở lại các ca mắc đến từ chính sự lơi lỏng trong phòng, chống dịch của người dân. Từ tháng 6-2020, các nước bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa để chuyển sang giai đoạn "bình thường mới". Người dân bước vào kỳ nghỉ hè, tâm lý "xả hơi" sau một thời gian dài bị phong tỏa, cộng với sự chủ quan, khiến các biện pháp an toàn không được thực hiện nghiêm.

Tại Đức, Viện Robert Koch cho rằng, rất nhiều thanh niên nước này đi nghỉ tại Tây Ban Nha, rồi sau đó đem mầm bệnh quay lại Đức. Ngoài ra, việc các nước châu Âu mở cửa biên giới để đón khách du lịch cũng khiến cho công tác sàng lọc bệnh nhân khó kiểm soát hơn.

Nguyên nhân tiếp theo có thể kể đến là từ những người di cư bất hợp pháp. Tại châu Âu, mặc dù làn sóng người di cư đã dịu bớt thời gian qua, nhưng đây vẫn là một trong những vấn đề xã hội nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Mới đây, Cố vấn an ninh của Thủ tướng Hungary cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện 13.189 trường hợp tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp vào Hungary và đã khởi tố 161 đối tượng liên quan đến hoạt động buôn người. Cố vấn an ninh của Thủ tướng Hungary cảnh báo, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh có thể làm gia tăng rủi ro về an ninh, y tế vì nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã trục xuất gần 10.000 người di cư trái phép để phòng tránh dịch bệnh. Tại châu Á, các chuyên gia cũng kêu gọi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần tăng cường sàng lọc lao động di cư để giảm thiểu nguy cơ trong kiểm soát dịch Covid-19.

Lịch sử đã chứng minh, trong đại dịch cúm năm 1918, đợt bùng phát thứ 2 tồi tệ hơn rất nhiều so với lần bùng phát đầu tiên. Vi rút không bị yếu đi, mà còn nguy hiểm hơn khi nó trỗi dậy trở lại. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có những biện pháp và hành động quyết liệt, đại dịch có thể nhấn chìm mọi thành quả của thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top