Lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc với Iran được dỡ bỏ: Tranh cãi vẫn tiếp diễn

16:16 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 4996 In bài viết

Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Mỹ, lệnh cấm mua bán vũ khí kéo dài hơn một thập kỷ của Liên hợp quốc đối với Iran đã chính thức hết hiệu lực vào ngày 18-10 vừa qua. Tuy nhiên, tranh cãi vẫn tiếp diễn bởi trong khi Cộng hòa Hồi giáo Iran hoan nghênh dấu mốc này thì nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp gây sức ép để duy trì cấm vận.

Một triển lãm vũ khí và trang thiết bị quân sự được tổ chức ở thủ đô Tehran (Iran).

Điều khoản quy định về thời hạn ngừng cấm vận vũ khí đối với Iran đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra trong Nghị quyết 2231 về việc ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức) - còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thỏa thuận này, Iran cam kết thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí sau 5 năm kể từ khi thỏa thuận được thông qua.

Đầu năm nay, Mỹ đã cố gắng vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran và gia hạn lệnh cấm vũ khí, song tất cả các dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra đều bị Liên hợp quốc bác bỏ. Ngay cả các đồng minh châu Âu là Anh, Pháp, Đức hồi tháng 7 cũng ra Tuyên bố chung, cho rằng Mỹ không có quyền kích hoạt cơ chế trừng phạt sau khi đã đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018.

Tuyên bố hôm 18-10 của Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, mọi hạn chế đối với việc chuyển giao vũ khí, dịch vụ tài chính đến và đi từ Cộng hòa Hồi giáo Iran, cùng tất cả các lệnh cấm trước đây liên quan đến việc nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đối với một số công dân và quan chức quân đội Iran đều tự động chấm dứt. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gọi đây là ngày trọng đại với nước này, nhấn mạnh việc Tehran có thể hợp tác quốc phòng trở lại với các nước. Dù vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm không có nghĩa là Iran sẽ ngay lập tức mua sắm vũ khí ồ ạt. Bộ Ngoại giao Iran khẳng định, học thuyết phòng thủ của nước này ưu tiên nhân sự, năng lực bản địa.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, vẫn còn nhiều rào cản mà Iran phải đối mặt để xúc tiến hoạt động mua sắm vũ khí quy mô lớn do tác động của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ cũng như việc các nước liên quan cân nhắc lợi ích địa chính trị. Hồi năm 2019, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ dự đoán, khi lệnh cấm vận vũ khí chấm dứt, Iran có thể sẽ theo đuổi các thương vụ mua máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastian của Nga, cùng một số loại vũ khí từ Trung Quốc. Do đó, xứ Cờ hoa vẫn đang tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran, đồng thời liên tục công bố các biện pháp trừng phạt các cơ quan, ngân hàng, cá nhân và thực thể của Tehran.

Ngay trong ngày 18-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng bác bỏ việc lệnh cấm vận vũ khí với Iran hết hiệu lực. Ông M.Pompeo cảnh báo, Washington sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào đóng góp đáng kể vào việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí thông thường tới hoặc từ Iran, cũng như những cá nhân hoặc tổ chức cung cấp hỗ trợ tài chính, dịch vụ, đào tạo kỹ thuật và các hình thức hỗ trợ khác liên quan đến những vũ khí này.

Các nhà ngoại giao cho rằng, việc tiếp tục gây sức ép hay đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran sẽ khiến nước này mất động lực kiềm chế hoạt động hạt nhân của mình và có thể khiến cam kết lịch sử được ca ngợi là thành tựu quan trọng của ngoại giao quốc tế trong năm 2020 “chết yểu”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top