Các quốc gia Trung Mỹ:

Thách thức trước làn sóng di cư

15:45 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 4855 In bài viết

Cùng với đói nghèo, bạo lực, đại dịch Covid-19 và thiên tai đã khiến hàng nghìn người từ các quốc gia Trung Mỹ di cư trái phép tới Mỹ nhằm tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở “miền đất hứa”. Điều này đang đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo của khu vực khi nhiều năm qua vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và thiên tai hồi cuối tháng 11-2020, nhiều người dân Honduras đã tìm đường tới Mỹ.

Trong những ngày đầu năm 2021, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin kêu gọi thành lập đoàn người di cư Honduras, dự kiến xuất phát từ thành phố San Pedro Sula (phía Bắc Honduras), vào ngày 15-1 tới để tìm đường đến Mỹ. Ngay sau sự việc, giới chức các nước Guatemala, Mexico và Mỹ đã cảnh báo không cho phép di cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, hồi tháng 10-2020, hàng nghìn người di cư trái phép ở khu vực Trung Mỹ, trong đó hầu hết là người Honduras, đã vượt qua lực lượng quân đội có vũ trang của Guatemala để tiến vào nước này và từ đây hướng đến Mỹ. Đây là đợt di cư lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực Trung Mỹ hồi tháng 3 cùng năm.

Trên thực tế, mỗi năm, hàng nghìn người ở khu vực tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm ba nước El Salvador, Guatemala, Honduras, tìm đường vượt Mexico để thực hiện "giấc mơ Mỹ". Đoàn người ban đầu tập trung tự phát với khoảng vài trăm thành viên, dần phát triển thành những nhóm hàng nghìn người trong những năm gần đây.

Trong năm 2020, việc đóng cửa biên giới và siết chặt các biện pháp y tế nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 tại các quốc gia Trung Mỹ đã hạn chế đáng kể tình trạng di cư, nhưng khiến tình trạng bạo lực và nghèo đói thêm trầm trọng. Với các biện pháp ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 cùng các cơn bão đổ bộ hồi tháng 11-2020, số lượng người thiếu lương thực đã tăng mạnh trên khắp các vùng nông thôn của Guatemala và Honduras. Thực trạng này khiến số lượng người di cư trái phép đã tăng nhanh trở lại từ tháng 10-2020, sau khi các quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp kiểm dịch.

Tuy nhiên, theo các tổ chức nhân quyền, có hàng nghìn người di cư Trung Mỹ vượt qua Mexico để tìm đường tới Mỹ mỗi năm và trong cuộc hành trình dài, nguy hiểm, họ chịu rủi ro rất cao, bị bắt cóc và giết hại bởi các băng nhóm tội phạm. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) mới đây đưa ra thống kê, năm 2020, có tới 381 người chết và mất tích do di cư trái phép tại biên giới Mỹ - Mexico, cũng là điểm trung chuyển chính của những người di cư ở khu vực Trung Mỹ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách cứng rắn trong vấn đề người di cư, đồng thời Mỹ và Mexico cũng từng phối hợp với các nước Trung Mỹ tìm lối thoát cho tình trạng này, song rõ ràng chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.

Ngày 11-1 vừa qua, đại diện các cơ quan chức năng Mexico, El Salvador, Honduras và Guatemala đã nhóm họp tại thủ đô Mexico City để thảo luận về các giải pháp đối phó với tình trạng người di cư trái phép từ các quốc gia Trung Mỹ vượt qua lãnh thổ Mexico tìm đường tới Mỹ. Quan chức các nước nhấn mạnh rằng, tình trạng di cư hiện nay tạo ra một thách thức ở cấp khu vực mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Do vậy, các nước cần phải hợp tác cùng đối phó với vấn đề này một cách toàn diện trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng quyền của người di cư, phù hợp với luật pháp của mỗi quốc gia và các cam kết ở cấp độ quốc tế.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng di cư hàng loạt từ Trung Mỹ vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Thực tế cho thấy, đây không phải là vấn đề đơn giản, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ với việc hỗ trợ các nước tại Trung Mỹ gặp khó khăn thông qua các dự án phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cũng như tích cực tham gia các cơ chế nhân đạo của Liên hợp quốc hay phối hợp chặt chẽ giữa các nước láng giềng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top