Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh duy trì hạn chế đi lại từ châu Âu và Brazil

17:10 - Thứ Ba, 26/01/2021 Lượt xem: 4423 In bài viết

Ngày 26-1, theo hãng tin AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh duy trì các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với hầu hết các nước châu Âu và Brazil. Quyết định được đưa ra khi số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên thế giới đã lên tới 100.197.783 người, 2.147.292 trường hợp tử vong.

Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu giảm sút.

Châu Mỹ

Ngày 26-1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định duy trì các hạn chế đã áp dụng trước đây đối với khu vực Schengen châu Âu, Vương quốc Anh, Cộng hòa Ireland và Brazil. Với việc đại dịch đang ngày càng trầm trọng và nhiều biến thể dễ lây lan hơn, đây không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại quốc tế. Theo bà Psaki, Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc họp giao ban về y tế thường xuyên từ ngày 27-1.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đang phối hợp với Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Lầu Năm Góc để tăng cường giám sát và nghiên cứu các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, nhằm đánh giá tác động của các biến thể đối với vắc xin, cũng như các biện pháp điều trị.

CDC nhấn mạnh, khi vắc xin chưa thể tạo ra miễn dịch cộng đồng, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn số lượng vi rút lây lan, qua đó giúp giảm số biến thể mà vi rút có thể tạo ra.

Châu Á

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu tăng cường kiểm tra phòng chống dịch Covid-19 tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ăn tập thể; khuyến khích người lao động tại các khu vực xung quanh Bắc Kinh làm việc tại nhà. Nhà chức trách xác định công tác phòng chống dịch đang trong thời kỳ then chốt.

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang tới gần, với hàng trăm triệu người dự kiến sẽ về thăm nhà, chính quyền đang nỗ lực không để dịch bùng phát mạnh tại thủ đô Bắc Kinh. Đối với những người nhập cảnh, sau khi cách ly đủ 14 ngày tập trung, tiếp tục cách ly quan sát 7 ngày, sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày.

Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 2 tới và đặt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 9 năm nay. Với tiến độ đề ra này, Hàn Quốc dự tính có thể đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 11-2021. Theo kế hoạch, những nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện, viện điều dưỡng và viện dưỡng lão sẽ là những đối tượng đầu tiên được tiêm vắc xin trong quý I. Những người ngoài 65 tuổi và những người làm việc tại các cơ sở y tế khác sẽ được chủng ngừa trong quý II. Trong quý III, những người mắc bệnh mãn tính và người lớn từ 19 đến 64 tuổi sẽ được tiêm chủng.

Tại Nhật Bản, Chủ tịch Hội Y học Toshio Nakagawa cho rằng rất khó để Nhật Bản tiếp đón người nước ngoài tới tham dự Olympic và Paralympic Tokyo trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cảnh báo hệ thống y tế đang sụp đổ ở nhiều khu vực do số ca nhiễm mới gia tăng, ông Nakagawa bày tỏ quan ngại số bệnh nhân Covid-19 sẽ tăng hơn nữa nếu Thế vận hội Tokyo vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở Nhật Bản bất chấp việc chính phủ nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 11 trong tổng số 47 tỉnh, thành.

Ở Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận tỷ lệ dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tăng lên mức cao chưa từng thấy là 33,24% số người được xét nghiệm, vượt mốc cũ 32,82% ghi nhận vào ngày 17-1 vừa qua. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cao gấp 6 lần mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong khi đó, Thái Lan công bố chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 2 tới, theo đó nước này sẽ phân phối 50.000 liều vắc xin của AstraZeneca cho những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Lực lượng nhân viên y tế tại tỉnh Samut Sakhon - tâm dịch bùng phát mới nhất ở nước này - sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, tiếp sau là người cao tuổi và người có bệnh nền.

Châu Âu

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết, chính phủ nước này đang xem xét thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới vì lo ngại nguy cơ xuất hiện biến thể mới của vi rút có khả năng vô hiệu hóa vắc xin phòng bệnh.

Ông cũng cho biết, Chính phủ Anh đang xem xét khả năng chỉ định các khách sạn để làm điểm cách ly có tính phí và duy trì thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho những nhóm dễ chịu tổn thương trước ngày 15-2. Số ca mắc bệnh tăng mạnh trong cả tháng 12-2020 khiến số ca nhập viện và tử vong tại Anh cũng tăng cao chưa từng có.

Số ca tử vong vì dịch bệnh tại Anh đã gần tới mức 100.000 ca. Dù số ca mắc mới bắt đầu có xu hướng giảm từ đầu tháng 1 nhưng Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho rằng tỷ lệ lây nhiễm cần phải giảm thêm nữa mới đủ an toàn.

Tại Pháp, Viện Pasteur thông báo, viện này đã ngừng việc phát triển vắc xin phòng dịch Covid-19 với công ty dược phẩm Merck của Mỹ sau khi các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có hiệu quả. Trước đó, các đối tác trên thông báo đã hợp tác với nhau từ hồi tháng 5-2020 để phát triển một loại vắc xin ngừa Covid-19 dựa trên vắc xin phòng sởi hiện có và các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 bắt đầu được tiến hành vào tháng 8-2020.

Trong những thử nghiệm giai đoạn đầu trên người, vắc xin tiềm năng này được dung nạp tốt, nhưng lại tạo ra phản ứng miễn dịch kém hơn so với miễn dịch được tạo ra từ những người được quan sát trong nhóm hồi phục tự nhiên và những người được quan sát trong nhóm được dùng các loại vắc xin đã được thông qua.

Viện Pasteur thông báo đang nghiên cứu 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 khác, nhưng chưa sẵn sàng để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top