Tình trạng thiếu vaccine Covid-19 "tấn công" các nước nghèo

08:36 - Thứ Ba, 13/04/2021 Lượt xem: 3894 In bài viết

Trong bối cảnh các nước phát triển đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ hai cho công dân, hàng chục nước nghèo hơn vẫn đang loay hoay vì không đủ nguồn cung, thậm chí, những mũi tiêm đầu tiên chưa được tiến hành đã bị đình trệ.

Các nước nghèo đứng trước nguy cơ bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm vaccine. Ảnh minh họa Reuters.

Mất cân bằng đáng báo động

COVAX, cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu của Liên Hợp Quốc cho biết, trong tuần qua đã vận chuyển hơn 25.000 liều vaccine Covid-19 tới các nước thu nhập thấp. Tuy vậy, việc vận chuyển vaccine tiếp tục bị tạm dừng ngày 12/4 do thiếu nguồn cung.

Theo dữ liệu tổng hợp hàng ngày của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), chỉ trong 2 tuần qua, tổng cộng chưa đến 2 triệu liều vaccine theo cơ chế COVAX được thông quan để vận chuyển đến 92 quốc gia đang phát triển, tương đương với số liều được tiêm ở Anh. Cuối tuần trước, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreysus đã chỉ ra "sự mất cân bằng đáng báo động" trong việc tiêm chủng Covid-19 trên toàn cầu.

"Vẫn còn một sự mất cân bằng đáng kinh ngạc trong việc phân phối vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Tính trung bình, ở các nước có thu nhập cao, cứ 4 người thì có 1 người đã được tiêm chủng. Ở các quốc gia có thu nhập thấp, con số này là 1 trong hơn 500 người. Hãy để tôi nhắc lại sự chênh lệch: 1/4 so với 1/500", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Một trong những lý do chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung là việc Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu vaccine từ nhà máy của Viện Huyết thanh, nơi sản xuất phần lớn liều AstraZeneca mà COVAX dự định cung cấp cho các nước kém phát triển, để ưu tiên cho nhu cầu trong nước khi làn sóng lây nhiễm mới hoành hành tại đất nước đông dân thứ hai thế giới này.

Những loại vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX đều là vaccine đã được WHO cấp phép. Tuy nhiên, tất cả chỉ như muối đổ bể trong khi các quốc gia là đối tượng của COVAX ngày càng mất kiên nhẫn. Trong khi nguồn cung đang dần cạn kiệt ở một số quốc gia đầu tiên nhận được các lô vaccine của COVAX, thì triển vọng cung cấp liều thứ 2 dự kiến trong khoảng thời gian 12 tuần theo khuyến nghị lại đang mờ mịt.

Theo hãng tin AP, một số tài liệu nội bộ của WHO cho thấy, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt chất vấn từ những nước tham gia COVAX về việc phân bổ cũng như sự không chắc chắn rằng liệu tất cả những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên có nhận được mũi thứ hai hay không.

Cùng với đó, những lo ngại về các trường hợp gặp biến chứng chết người sau khi tiêm vaccine, dù hiếm gặp nhưng cũng khiến nhiều người "đặt ra câu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine", WHO cho biết. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, trong đó đáng chú ý là đẩy nhanh tiến trình cấp phép cho các vaccine của Trung Quốc và Nga. Tháng trước, WHO cho biết có thể bật đèn xanh cho các loại vaccine của Trung Quốc vào cuối tháng 4. Cho đến nay, các quốc gia đã cam kết hàng trăm triệu USD cho COVAX. Dù vậy, vài chuyên gia thận trọng cảnh báo vẫn chưa có nhiều thông tin công khai về 2 loại vaccine do Trung Quốc sản xuất, Sinopharm và Sinovac, trong khi một số báo cáo cho rằng phải tiêm đến liều thứ ba vaccine này mới hiệu quả.

Thậm chí, hôm 11/4, AP đã dẫn lời ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc tại một hội nghị được tổ chức ở thành phố Thành Đô cho hay vaccine Covid-19  do nước này chế tạo "không có hiệu quả bảo vệ cao". Một nghiên cứu ở Brazil đã chỉ ra rằng, vaccine Sinovac, một mẫu vaccine Covid-19 do Trung Quốc chế tạo, có hiệu quả chỉ vào khoảng 50,4% trong ngăn chặn các ca lây nhiễm có triệu chứng. Trong khi đó, tỷ lệ tương tự của vaccine do hãng dược Pfizer điều chế lên đến 97%...

Chậm trễ làm xói mòn niềm tin

Một vấn đề đáng lo ngại khác mà các chuyên gia cảnh báo là sự chậm trễ có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính phủ đang rất nỗ lực và hiệu quả trong các chương trình tiêm chủng. Lavanya Vasudevan, chuyên gia tại Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, Mỹ, cho biết "khi tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu không đủ lớn, nguy cơ rất cao là đại dịch sẽ kéo dài thêm một vài năm". "Mỗi ngày virus còn tồn tại là một cơ hội để nó có thêm biến thể nguy hiểm hơn", Vasudevan nhấn mạnh.

Đầu tháng này, WHO đã kêu gọi các nước giàu khẩn cấp chia sẻ 10 triệu liều để đáp ứng mục tiêu của Liên Hợp Quốc về việc bắt đầu tiêm vacine Covid-19 ở mọi quốc gia trong vòng 100 ngày đầu năm nay.  Cho đến nay, các quốc gia đã cam kết hàng trăm triệu USD cho COVAX. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ không chỉ không có vaccine để mua mà không phải nước nào cũng đồng ý chia sẻ những gì họ đang có.

Tuần trước, các cơ quan đứng sau COVAX, bao gồm WHO, Liên minh vaccine GAVI và CEPI - một liên minh phòng chống dịch bệnh, đã tổ chức kỷ niệm dấu mốc 38 triệu liều vaccine được cung cấp cho hơn 100 nước. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm này hứng chịu chỉ trích từ giới chuyên gia. Brook Baker, một chuyên gia về vaccine tại Đại học Northeastern, Mỹ, bày tỏ "không thể hiểu nổi" việc WHO "ăn mừng đạt được đủ liều lượng vaccine cho19 triệu người, tức 0,25% dân số toàn cầu", đồng thời cho biết thêm rằng đã đến lúc WHO và các đối tác phải trung thực hơn với các quốc gia. Số liều vaccine được công bố cũng không thống nhất. Theo trang Think Global Health, đã có 19 nước đóng góp 27,5 triệu liều vaccine cho 102 nước khác, tính đến ngày 9-4.

Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 trong tháng trước đã tăng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang chìm sâu trong khủng hoảng, điển hình là 322% ở Kenya, 379% ở Yemen và 529% ở đông bắc Syria. Giám đốc điều hành của Liên minh Gavi, Seth Berkley cảnh báo, có tới 60 quốc gia, bao gồm một số quốc gia nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ này.

"Thách thức lớn hiện nay là sự bất bình đẳng về tiếp cận vaccine giữa những nước phát triển với những nước đang phát triển. Chúng ta chỉ an toàn nếu mọi người đều an toàn và điều này càng trở nên rõ ràng khi ngày càng có nhiều biến thể mới xuất hiện. Nếu chúng ta có một quần thể lớn không được tiêm chủng thì nguy cơ cao chúng ta sẽ chứng kiến các biến thể mới xuất hiện và tiếp tục lây lan trên toàn thế giới", ông Berkley cho biết.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top