Tàu thăm dò sao Hỏa Trung Quốc đánh dấu 100 ngày hoạt động trên bề mặt hành tinh đỏ

15:45 - Thứ Ba, 31/08/2021 Lượt xem: 2822 In bài viết

Tính đến ngày 30/8, tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung (Zhurong) của Trung Quốc đã trải qua 100 ngày trên sao Hỏa, khẳng định tiềm năng to lớn của quốc gia này trong cuộc đua chinh phục vũ trụ.

Tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung (Zhurong) của Trung Quốc - Ảnh: Cục quản ý không gian quốc gia Trung Quốc.

Theo Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), tàu thăm dò sao Hỏa Chúc Dung của quốc gia này vừa trải qua 100 ngày khám phá bề mặt hành tinh đỏ, tính từ thời điểm thiết bị này bắt đầu lăn bánh khám phá bề mặt sao Hỏa hôm 22/5. Đây cũng là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc hạ cánh tàu thăm dò xuống một hành tinh ngoài Trái đất.

Tính đến ngày 30/8, tàu Chúc Dung đã đi được 1064 mét trên bề mặt sao Hỏa, trong khi tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo đã ở trên quỹ đạo được 403 ngày. Theo CNSA, cả hai đều trong tình trạng tốt và hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, tàu thăm dò nhiều khả năng sẽ phải tạm ngừng hoạt động từ giữa đến cuối tháng 9, do vào thời điểm này Mặt trời ở giữa Trái đất và sao Hỏa trên một đường thẳng và bức xạ Mặt trời sẽ gây nhiễu liên lạc giữa các tàu với trạm mặt đất.

Tàu thăm dò Chúc Dung là một phần trong sứ mệnh của tàu Thiên Vấn 1. Tàu Thiên Vấn 1 bao gồm một tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo, một tàu đổ bộ và robot tự hành Chúc Dung. Trung Quốc đã phóng Thiên Vấn 1 từ trạm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam vào ngày 23/7/2020. Nhiệm vụ của nó là đáp tàu đổ bộ mang theo robot tự hành xuống bề mặt sao Hỏa để thu thập dữ liệu về nguồn nước ngầm, tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ xưa trên hành tinh đỏ.

Chỉ trong 18 năm, kể từ ngày nhà du hành Dương Lợi Vỹ cùng tàu không gian đầu tiên của Trung Quốc hạ cánh xuống Nội Mông sau 21 giờ đồng hồ trên quỹ đạo đến nay, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong cuộc đua trở thành “siêu cường không gian” với Mỹ.

Các thành tựu khác Trung Quốc đã đạt được từ đó tới nay có thể kể đến như tàu vũ trụ Hằng Nga của Trung Quốc hồi tháng 12/2020 đã mang theo các mẫu đá từ Mặt trăng quay trở về Trái đất để nghiên cứu. Tháng 5/2021, Trung Quốc đưa thành công 3 phi hành gia đầu tiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung mà nước này đang xây dựng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc nhiều lần nộp đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến công nghệ vũ trụ trong bối cảnh nước này chuẩn bị thực hiện một số sứ mệnh không gian trong tương lai.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top