Australia hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp: Rạn nứt mối quan hệ đồng minh

10:20 - Thứ Ba, 21/09/2021 Lượt xem: 2571 In bài viết

Một cuộc tranh cãi chưa từng có đã xảy ra trong những ngày gần đây liên quan đến việc Australia hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trị giá hàng chục tỷ USD và công bố thỏa thuận mới với Mỹ, Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Pháp thậm chí đã triệu hồi các đại sứ của nước này tại Mỹ và Australia để phản đối quyết định trên, động thái thể hiện sự rạn nứt ngoại giao trong mối quan hệ giữa các đồng minh lâu năm của phương Tây.

Mối quan hệ giữa Pháp với Mỹ, Anh đang rạn nứt sau khi Australia công bố thỏa thuận mới về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tuần trước, Australia tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm diesel - điện do Pháp sản xuất trị giá hàng chục tỷ USD. Thay vào đó, Australia sẽ đưa vào hoạt động ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh trong khuôn khổ một thỏa thuận đối tác an ninh ba bên Australia - Anh - Mỹ, trong đó các nước này cam kết chia sẻ các công nghệ tiên tiến với nhau.

Theo thông cáo đăng trên trang web của Nhà Trắng, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhận định hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng đánh dấu “sáng kiến quan trọng đầu tiên” của thỏa thuận an ninh mới còn được gọi là AUKUS này. Trước khi có AUKUS, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm của mình với Anh.

Thỏa thuận vừa bị hủy bỏ từng được coi là “hợp đồng thế kỷ” ở Pháp và theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã không loại trừ khả năng nước này sẽ yêu cầu Australia bồi thường. Thỏa thuận với Pháp bị hủy bỏ chỉ vài giờ trước khi Thủ tướng Australia S.Morrison công bố thỏa thuận AUKUS trong một cuộc hội đàm qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tuy nhiên, những dấu hiệu về sự “bấp bênh” của thỏa thuận này dường như đã được báo hiệu từ trước đó.

Theo tờ Politico, Thư ký Quốc phòng Australia Greg Moriarty đã bày tỏ trong một cuộc điều trần tại Thượng viện vào tháng 6 rằng, thỏa thuận đã gặp nhiều thách thức và nước này đang cân nhắc các lựa chọn khác nếu thỏa thuận đổ vỡ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cũng cho biết, đây là hợp đồng vượt quá ngân sách của Australia và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch.

Bên cạnh thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ USD, Pháp cho biết họ phẫn nộ với cách Australia và các đồng minh xử lý vấn đề. Theo tờ The New York Times, Mỹ và Australia đều không thảo luận về sự thay đổi với các đối tác Pháp cho đến vài giờ trước khi lãnh đạo các nước công bố thỏa thuận mới. Phát biểu trước công chúng, các quan chức Pháp đã không giấu được sự bất ngờ và thất vọng trước quyết định của Australia.

Thông báo về quyết định triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia vào ngày 17-9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói động thái này là một hành động chính trị nghiêm túc và cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng giữa các nước. Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên Pháp - với tư cách là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ - thông báo triệu hồi đại sứ. Thỏa thuận này cũng “đan cài” với các mục tiêu chính sách đối ngoại dài hạn của Pháp và do đó, việc chấm dứt thỏa thuận giữa Pháp - Australia đã ảnh hưởng tới nỗ lực của ông chủ Điện Elysee trong điều chỉnh các cơ chế an ninh và chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo hãng tin AP, ngày 20-9, các quan chức Australia và Pháp đã khẳng định những tranh cãi về hợp đồng tàu ngầm vừa bị hủy bỏ sẽ không làm chệch hướng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Australia và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Pháp E.Macron cũng dự kiến có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ J.Biden trong vài ngày tới.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định: “Pháp là một đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi và chúng tôi đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này”. Do đó, điều quan trọng là các bên tìm cách xoa dịu căng thẳng hiện nay vì những lợi ích bao trùm và mục tiêu chiến lược dài hạn.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top