WHO khuyến cáo không lơi lỏng cuộc chiến chống đại dịch

15:33 - Thứ Năm, 07/10/2021 Lượt xem: 2028 In bài viết

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc, dù có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến này sắp tới hồi kết.

Số ca mắc mới và tử vong do Covid-19 tại Romania ở mức cao kỷ lục. Ảnh REUTERS

Theo TTXVN, phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến ngày 5/10 của WHO, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO cho biết, cơ quan này đã ghi nhận có 3,1 triệu ca mắc mới, 54.000 trường hợp tử vong trong tuần qua. Bà Van Kerkhove cho rằng, tình hình dịch vẫn khó lường, trong khi tại một số thành phố, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện vẫn chật kín người, thì trên đường phố người dân lại “ứng xử như đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt”.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng cảnh báo về xu hướng gia tăng các ca tử vong vì Covid-19 tại châu Âu. ECDC cho rằng, trong hai tháng tới các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu lục này sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc mới, người nhập viện và các trường hợp tử vong. Theo ECDC, những người đã tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh và tiến triển nặng. Hiện 61% tổng dân số Liên hiệp châu Âu (EU) đã tiêm chủng, song tỷ lệ này còn thấp ở khu vực Đông và Nam Âu.

Ủy ban quốc gia về điều phối hoạt động tiêm ngừa Covid-19 của Romania cảnh báo, số ca mắc và tử vong ở nước này có thể lên mức cao kỷ lục mới. Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất EU, với khoảng 28% dân số được tiêm ngừa. Tính theo tuần, Romania có số ca mắc mới và tử vong cao nhất EU và đứng thứ 6 thế giới, với hơn 11.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong tại Romania cao hơn 2,65 lần so với mức trung bình của châu Âu và 6,34 lần so với mức trung bình của thế giới.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 5/10 thông báo đang cân nhắc triển khai quy trình đánh giá nhanh về Molnupiravir, loại thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 do hãng Merck & Co của Mỹ bào chế đang được thử nghiệm. Nếu được phê duyệt, Molnupiravir sẽ là loại thuốc kháng vi-rút dạng viên uống đầu tiên được sử dụng để chữa Covid-19. Theo Merck & Co, Molnupiravir có thể hỗ trợ giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện và tử vong với những trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.

Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nanolek của Nga đang phát triển vắc-xin kết hợp ngừa Covid-19 và cúm mùa. Theo các chuyên gia của Nanolek, đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của Covid-19 rất giống với dịch cúm, vì vậy điều quan trọng là phải điều trị tối ưu cho cả hai bệnh đường hô hấp này.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top