Y đức vẫn đặt lên hàng đầu

16:08 - Thứ Sáu, 16/12/2016 Lượt xem: 2140 In bài viết
Dù muốn hay không, bạn vẫn phải bước chân vào bệnh viện với rất nhiều lý do: khám, chữa bệnh cho bản thân; thăm người nhà, bạn bè đang điều trị; dự tang lễ một ai đó…, tất nhiên với một tâm trạng không thể vui vẻ và thoải mái được. Ngay cả bạn bè tôi làm trong các bệnh viện cũng hay đùa rằng, tốt nhất là không nên gặp nhau trong bệnh viện, vui ít, buồn nhiều.
Lần gần đây nhất tôi phải vào bệnh viện thăm bố một người bạn bị ngã gẫy chân khi ông chờ mổ tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cũng may cụ ăn uống, thể dục điều độ nên có sức chịu đựng chứ như các cụ khác thì… coi như xong. Cụ nằm ở hành lang hơn một ngày mới được vào phòng dịch vụ.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác nôn nao, ngộp thở khi bước chân lên tầng 3 của khoa. Hành lang chật kín giường bệnh nhân, từng cen-ti-mét ở đây được tận dụng tối đa để người nhà có chỗ ngồi. Mùi mồ hôi của người lâu ngày không được tắm gội, mùi các loại thuốc, mùi thức ăn… khiến ai lần đầu tiếp xúc đều có cảm giác ngột ngạt. Thậm chí một thanh niên chỉ ngoài 20 tuổi vào đây trông bạn được 2 ngày, đến ngày thứ 3 mặt tái dần rồi lăn ra sàn bất tỉnh.

 

Minh họa của Lê Tâm.

Quá tải, đó là thực trạng nhiều năm nay tại các bệnh viện lớn. Người bệnh khổ đã đành, người nhà vào phục vụ cũng phải có thần kinh thép. Còn đội ngũ nhân viên y tế, họ thật sự là những người dũng cảm và có sức khỏe phi thường bởi hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với một môi trường độc hại đến như thế.

Và ở môi trường đó, người ta vẫn muốn những nhân viên y tế có nụ cười thân thiện, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo với từng bệnh nhân.

Xin đừng lấy lý do bệnh nhân đông, áp lực công việc lớn, thu nhập còn hạn chế… để biện minh cho thái độ phục vụ người bệnh còn thiếu sót, lạnh lùng, vô cảm. Với những bệnh nhân, thái độ phục vụ của người thầy thuốc có tác dụng như một liều thuốc, giúp họ an tâm, vững tin hơn cho dù cuộc sống của họ đôi khi chỉ được tính bằng ngày.

Nói vậy để khẳng định một vấn đề không mới nhưng luôn có ý nghĩa thực tiễn, đó là y đức. Mới đây, nhằm triển khai thực hiện chương trình Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tại 66 bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc ngành trong tháng 12.

Cùng thời gian, tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác đánh giá chất lượng bệnh viện hướng đến sự hài lòng của người bệnh tại 100 bệnh viện trong và ngoài công lập thuộc Sở Y tế quản lý.

Bên cạnh việc đánh giá 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, Sở Y tế sẽ khảo sát thực trạng về các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và khảo sát năng lực cấp cứu tại tất cả bệnh viện…

Tất nhiên, qua kiểm tra, những mặt mạnh, mặt tốt sẽ được duy trì, phát huy. Những tiêu cực, tồn tại sẽ khắc phục, loại bỏ. Đó là công việc phải làm của ngành y mà tôi không đề cập trong bài viết này, song với người bệnh, điều họ luôn luôn cần là thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện, có trách nhiệm của người thầy thuốc.

Điều này hơn ai hết, những người đêm ngày khoác trên mình chiếc áo bluse đều quá hiểu và phải được duy trì một cách thường xuyên, mỗi ngày, mỗi giờ.

Hơn một lần, tôi đến thăm người thân tại một số bệnh viện ngoài công lập. Có thể nói, thái độ phục vụ người bệnh của y, bác sĩ ở đây khác hẳn. Có người sẽ phản biện rằng, vào đây chi phí khám, chữa bệnh đắt gấp nhiều lần trong bệnh viện công lập thì thái độ phục vụ đương nhiên phải tốt rồi. Người nhiều tiền có quyền được hưởng những dịch vụ cao cấp mà.

Tôi không phủ nhận điều này mà chỉ muốn nói rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, nếu anh không tự đổi mới, hiện đại hóa cùng với một tinh thần cầu thị, người bệnh (khách hàng) sẽ tự bỏ anh để đến dịch vụ tốt hơn. Điều này chắc chắn sẽ luôn đúng không chỉ với bệnh viện ngoài công lập mà cả với bệnh viện công lập.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top