Khởi nghiệp thúc đẩy phát triển nông nghiệp

10:02 - Thứ Năm, 29/12/2016 Lượt xem: 2550 In bài viết
Vừa qua, phát biểu tại diễn đàn khởi nghiệp lần thứ II với chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” diễn ra ở Hà Nội, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh, thời gian qua 2 cụm từ được nhắc nhiều lần là “nông nghiệp” và “khởi nghiệp”. Đây là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam, bởi nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Trong một buổi tọa đàm gần đây, hai giáo sư hàng đầu của Mỹ có đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới?”. Điều này cũng hàm nghĩa Việt Nam phải trở thành thung lũng lương thực của cả thế giới. Theo TS Vũ Tiến Lộc, việc Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp và sự cộng sinh giữa du lịch và nông nghiệp sẽ là lợi thế rất quan trọng của Việt Nam. Đối với nước ta, phát triển nông nghiệp nông thôn không chỉ là kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề chính trị, xã hội. Do vậy, phát triển nông nghiệp sẽ là định hướng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Suốt 30 năm qua, nông nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nền kinh tế hộ gia đình, manh mún, không gắn kết nên không phát triển được. Bởi vậy, vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp trước hết nhằm vào đổi mới mô hình kinh doanh trong nông nghiệp từ các hộ cho đến người kinh doanh và cả nền kinh tế.

Trong quá trình đổi mới mô hình kinh doanh nông nghiệp, dù là 4 nhà nhưng doanh nghiệp (DN) đứng vai trò trung tâm trong chuỗi liên kết đó. Để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, chúng ta chỉ thành công khi xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nhưng phải đảm bảo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Cụ thể, cần tạo cho các DN có thể tiếp cận thị trường; cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các DN khởi nghiệp; có một hệ thống tài chính, cơ chế tài chính để dẫn vốn cho các DN khởi nghiệp (quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần…); xây dựng khung pháp lý cho khởi nghiệp để DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp cần hoàn thiện. “Khởi nghiệp chỉ có thể thành công nếu được quốc gia ủng hộ cho tinh thần khởi nghiệp. Thúc đẩy, khuyến khích, tạo ra sự hứng khởi cho khởi nghiệp, khuyến khích sự mạo hiểm trong khởi nghiệp và chấp nhận mạo hiểm. Khi nhà kinh doanh chấp nhận mạo hiểm thì xã hội cũng nên khoan dung chấp nhận”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 4.424 DN thuộc ngành nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, thủy sản); các DN này có hiệu quả kinh tế tương đối tốt, chỉ số phản ánh về hiệu suất sinh lời cao hơn so với các DN trong lĩnh vực khác. Đặc biệt, sau khi được Chính phủ đưa ra 3 nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, việc quan tâm và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đến nay số lượng DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chỉ chiếm 1% trong tổng số DN hoạt động trên cả nước. Sản xuất nông nghiệp vẫn đa phần là quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng, dịch vụ… còn nhiều yếu kém.

Để khởi nghiệp thực sự thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ NN-PTNT), cho rằng, cần sớm rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách gồm: chính sách mới thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao; sửa đổi một số chính sách về đất đai, khuyến khích tích tụ ruộng đất để khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DN tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, theo hướng quy định cụ thể hỗ trợ, ưu đãi hơn cho DN đầu tư sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng xa, vùng sâu. Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động khoa học, công nghệ; khuyến khích mạnh mẽ DN đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các viện, trường trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp… Một giải pháp không kém phần quan trọng là đổi mới hình thức quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top