Không người nghèo nào bị bỏ lại phía sau

09:00 - Thứ Hai, 23/01/2017 Lượt xem: 3214 In bài viết
Chỉ còn ít ngày nữa, 92 triệu người Việt Nam trong nước cùng 4,5 triệu kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới sẽ hân hoan đón chào Tết Nguyên đán. Cùng với sự đi lên của đất nước, người Việt Nam luôn có truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, quan tâm tới các gia đình chính sách, chia sẻ và giúp đỡ người nghèo. Chính vì vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, cùng với chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng khó khăn, các nhà hảo tâm, những tấm lòng khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài đã gửi đóng góp nhỏ của mình để mang tết đến tận tay người nghèo, giúp người nghèo đón tết cổ truyền dân tộc đầm ấm hơn. Việc chăm lo tết cho người nghèo, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Đó cũng là những nghĩa cử cao đẹp, là truyền thống văn hóa đã trải dài suốt chiều dài lịch sử của người Việt.

Trong bộn bề lo toan của những ngày gần tết, thông tin về phiên chợ tết 0 đồng dành cho người nghèo lần đầu tiên được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) trong 2 ngày 21 và 22-1 thực sự là một nốt nhạc vui cho tất cả mọi người. Chương trình do Câu lạc bộ Ngôi trường ước mơ tổ chức nhằm mang đến cho người nghèo một cái tết ấm áp hơn.

Vài ngày trước khi phiên chợ 0 đồng diễn ra, ban tổ chức đã đến các bệnh viện lớn, các khu lao động liên hệ với những người có uy tín để phát 2.000 thẻ tham dự phiên chợ tết cho người nghèo. Với tấm thẻ này, không cần tiền, mỗi người sẽ mua được 10 món hàng tết như bánh chưng, mứt, kẹo, dầu ăn, nước mắm, giò, miến, măng khô, gạo nếp, đậu xanh… có giá trị khoảng 40.000 - 50.000 đồng/món. Rất nhiều người nghèo, từ những bệnh nhân nghèo phải đón tết ở bệnh viện đến những người lái xe ôm, bán hàng rong… đều đã tìm đến phiên chợ. Họ đến không chỉ để mua những món hàng 0 đồng, mà còn để cảm nhận tình thương mến của đồng bào lan tỏa trong những ngày đông giá lạnh. Và không chỉ người nghèo, mà những người không nghèo cũng tìm đến để cùng sẻ chia và trao gửi yêu thương.

Không chỉ là phiên chợ tết 0 đồng, có hàng ngàn chương trình chăm lo tết cho người nghèo và các đối tượng khó khăn đã được những nhà hảo tâm, những người có tấm lòng thiện nguyện tổ chức vào dịp tết này. Tất cả đều mong muốn cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tết cho những người khó khăn, để ai cũng có tết dù có thể chưa đủ đầy, để ai cũng cảm thấy mình được ấm lòng trong dòng đời xuôi ngược.

Tết năm nay, để kịp thời hỗ trợ gạo cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định xuất cấp 12.415,2 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 15 địa phương. Đối tượng được trợ giúp đột xuất cứu đói là những người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra. Đã có gần 1 triệu người thuộc đối tượng được nhận gạo hỗ trợ từ Chính phủ. Bên cạnh đó, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc, nhằm bảo đảm để mỗi gia đình, mỗi người dân đều có tết đầm ấm, ngay đầu tháng 1, mặt trận và các đoàn thể cũng đã triển khai công tác chăm lo tết cho người nghèo và các đối tượng khó khăn. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trích từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, tương đương 6.025 suất quà tết để hỗ trợ hộ nghèo và 7 trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người khuyết tật. Những ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, địa phương đều đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà tết cho các gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, nhất là những hộ nghèo ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, vùng bị thiên tai, bão lụt, các hộ là đoàn viên, hội viên nghèo, là công nhân viên chức, người lao động làm việc ở những khu vực khó khăn... Những hoạt động chăm lo đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận với người nghèo, mà còn thể hiện rất rõ truyền thống “tương thân, tương ái”, “nhường cơm sẻ áo” của đồng bào ta.

Mặc dù những suất quà tết dành tặng cho người nghèo không lớn, không đủ để họ đón một cái tết đủ đầy, nhưng đó là nguồn động viên nhân dân vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống và đón chào một năm mới tràn đầy niềm tin, đầm ấm và hạnh phúc. Nó cũng góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ. 

Để mỗi hộ nghèo đều có thể đón tết đầm ấm, chính quyền và mặt trận các địa phương phải là nơi thực hiện tốt nhất chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về. Hơn ai hết, Mặt trận và các đoàn thể phải nắm rõ nhất danh sách và hoàn cảnh những gia đình, đối tượng khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Trong các chuyến thăm hộ nghèo gần đây cũng như khi triển khai nhiệm vụ 2017 của mặt trận, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhiều lần cam kết, mặt trận sẽ không bỏ lại bất cứ người nghèo nào ở lại phía sau. Mặt trận khẳng định quyết tâm trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sẽ không để một hộ nghèo, hộ gia đình chính sách nào mà không có một tổ chức đoàn thể đứng ra nhận hỗ trợ.

“Không người nghèo nào bị bỏ lại phía sau” cũng chính là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi triển khai nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Không chỉ những món quà tết để làm ấm lòng người nghèo, mọi chính sách, mọi phong trào thi đua, mọi cuộc vận động đều phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, rút dần khoảng cách giàu - nghèo…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top