Tăng cường bảo vệ tài nguyên

14:47 - Thứ Hai, 10/04/2017 Lượt xem: 4980 In bài viết
Theo thống kê, hiện có 80 quy hoạch khoáng sản khác nhau, bao gồm cát và sỏi được UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Có 108 dự án nạo vét luồng đường thủy theo hình thức xã hội hóa có tận thu sản phẩm, trong đó có 32 dự án đã thu hồi xong, 55 dự án đang triển khai, 21 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương; có 506 mỏ cát được cấp giấy phép. Hiện nay, các vi phạm chủ yếu là hoạt động không đúng địa điểm, khai thác vượt số lượng được cấp phép, không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, không ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường, không giám sát môi trường xung quanh, không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông. Đối với các dự án khơi thông luồng lạch trên cả nước, các đơn vị này có dấu hiệu lợi dụng việc được cấp phép để khai thác ngoài khu vực, vi phạm về độ sâu, thực hiện không đúng đề án nạo vét đã được phê duyệt, vi phạm về phương tiện khai thác, kê khai không đầy đủ khối lượng khoáng sản tận thu, nộp không đầy đủ tiền cấp quyền và phí tài nguyên với các thủ đoạn khai thác bán trực tiếp cho các tàu, dẫn tới việc các cơ quan chức năng không kiểm soát được số lượng và doanh thu.

Với đà khai thác cát hiện nay, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, cái trước mắt gây ra nhiều hệ lụy như làm xói mòn, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân, mất an ninh trật tự. Thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày, liên tục mà không ai bị xử lý. Có tình trạng cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho tội phạm nếu không nói là bảo kê. Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, xã hội đen. Điều đó càng đòi hỏi phải quyết tâm lập lại trật tự, tăng cường quản lý để các doanh nghiệp không lợi dụng, vi phạm.

Thực tế hiện nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp thu hồi cát, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, ký hợp đồng triển khai thực hiện với một số tổ chức để nạo vét trên các sông. Tuy nhiên, công tác giám sát triển khai hạn chế là nguyên nhân để các đơn vị nạo vét lợi dụng khai thác cát trái phép. Trong khi đó, rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự “cát tặc”. Năm 2016, Công an thành phố Hà Nội bắt hơn 200 vụ nhưng chỉ truy tố được 1 vụ, do chưa có quy định rõ ràng về hậu quả.

Để chấn chỉnh tình trạng này, cần làm tốt công tác quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn, cùng với đó triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản các điểm mỏ cát. Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng. Biện pháp tốt nhất là quản lý chặt chẽ các bến tập kết và kinh doanh cát trên bờ. Bên cạnh đó, ngoài phạt hành chính, có những quy định cụ thể để xử lý hình sự các vi phạm trong khai thác cát trái phép, mới có thể lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này.

Vấn nạn khai thác cát, sỏi đang diễn ra ở nhiều nơi, là việc rất nghiêm trọng. Điều cần làm ngay là phải có quy hoạch các điểm khai thác cát, trong đó có sự phân công giám sát của mặt trận, người dân đối với các điểm khai thác cát. Khi đó, cơ sở khai thác nào không có trong quy hoạch thì người dân sẽ có ý kiến. Mục tiêu là không để phát sinh khai thác cát trái phép. Thực tế, đã có địa phương phải tự thành lập tổ tự quản để canh gác, chống lại hiện tượng khai thác cát trái phép. Người dân tay không không thể chiến đấu được với “cát tặc”. Nhưng họ vẫn phải làm vì khai thác cát trái phép làm đất lở, ruộng hư, dân mất ăn mất ngủ không yên. Để nhân dân tự tổ chức đội tự vệ như vậy là một điều thiếu sót. Các cơ quan chức năng, mặt trận và đoàn thể phải vào cuộc cùng dân chiến đấu với nạn khai thác trái phép khoáng sản, không thể để người dân đơn độc trong việc này…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top