Chương mới cho nước Pháp

08:33 - Thứ Ba, 09/05/2017 Lượt xem: 3628 In bài viết
Sau vòng hai cuộc bầu cử tổng thống kịch tính, ông Emmanuel Macron đã vượt qua đối thủ chính, bà Marine Le Pen, chính thức trở thành ông chủ Điện Elysee trẻ nhất của nước Pháp với tổng số phiếu vượt trội 66,06%.

Ngay sau khi kết quả được công bố, nhiều lãnh đạo quốc tế đã chúc mừng nhà lãnh đạo mới của đất nước hình Lục lăng. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã bày tỏ vui mừng trước việc ý tưởng bảo vệ một Châu Âu hùng mạnh và thịnh vượng sẽ theo sát những năm nhiệm kỳ sắp tới của tân Tổng thống Pháp. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter cá nhân cũng khẳng định chiến thắng của ông E.Macron là “lớn lao” và cho biết, rất mong đợi được hợp tác với nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước Pháp. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định nước này sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Pháp lên một tầm cao mới.

 

Ông E.Macron đã vượt qua đối thủ với số phiếu áp đảo để trở thành chủ nhân tương lai của Điện Elysee.

Tổng thống mới đắc cử Pháp sinh ngày 21-12-1977, đã tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA) với chuyên ngành Thanh tra tài chính. Trước đó, ông E.Macron đã theo học ngành Triết học tại Đại học Paris-Quest Nanterre La Defense và còn có bằng cử nhân Quan hệ công chúng. Về công tác, ông từng đảm nhận vai trò Cố vấn kinh tế cho Tổng thống Francois Hollande, trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế Pháp từ năm 2014 đến năm 2016. Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách này, ông E.Macron đã để lại nhiều dấu ấn, mà nổi bật nhất là chính sách kinh tế "Noe" hay còn gọi là “Macron 2”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư mừng Tổng thống đắc cử Pháp
Ngày 8-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư mừng tới ông Emmanuel Macron nhân dịp ông được bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Pháp.

Trong cuộc bầu cử năm nay, ông E.Macron cũng được xem như một nhân tố đầy mới lạ. Mới bước vào chính trường được 5 năm, song chính trị gia trẻ tuổi đã quy tụ được nhiều chính khách thuộc cả cánh tả lẫn cánh hữu tham gia phong trào chính trị do ông khởi xướng hồi tháng 4-2016 mang tên Tiến bước. Hiện phong trào này đã có hơn 240.000 người tham gia chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Trong khoảng thời gian tranh cử, ông E.Macron theo đuổi chính sách quốc tế chủ nghĩa và thân Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi khôi phục quan hệ đồng minh chiến lược Pháp - Đức. Nhà lãnh đạo còn ít tháng nữa mới tròn 40 tuổi cũng từng tiết lộ sẽ lập kế hoạch đầu tư 50 tỷ euro trong 5 năm vào các lĩnh vực năng lượng, môi trường, cải thiện nguồn nhân lực, nông nghiệp, hạ tầng đô thị, giao thông - vận tải, y tế... nếu giành chiến thắng.

Tuy nhiên, giành được chiếc ghế quyền lực của nước Pháp không đồng nghĩa rằng con đường phía trước là bằng phẳng. Trong những năm tới, Tổng thống đắc cử Pháp sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức lớn tồn đọng qua nhiều năm. Ông sẽ lãnh đạo một nước Pháp có đến gần một nửa cử tri ủng hộ những ứng viên có quan điểm chỉ trích EU và toàn cầu hóa, điều đã thể hiện rõ rệt qua vòng bầu cử đầu tiên. Bên cạnh đó, tỷ lệ người không có việc làm ở Pháp đến nay là 10%, cao hơn mức trung bình của EU (8%) và quá lớn so với Đức (chỉ 3,9%). Mặt khác, tình hình an ninh cũng cần những nỗ lực giải quyết mạnh mẽ sau khi hơn 230 người đã thiệt mạng do hàng loạt vụ tấn công khủng bố nhằm vào Pháp kể từ tháng 1-2015. 

Có thể nói rằng, thành công của ông E.Macron trước hết xuất phát từ những quan điểm tiến bộ. Tinh thần cởi mở, tiến bộ ấy đã kết nối được cả những người theo cánh tả và cánh hữu, dẫn đến chiến thắng vang dội mở đường cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi tiến thẳng tới ghế ông chủ Điện Elysee, đồng thời mở ra một chương mới đầy triển vọng cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Việc ông E.Macron chiến thắng cho thấy cử tri Pháp vẫn tin tưởng vào việc xây dựng một quốc gia hội nhập, trong khi EU cũng đã “quẳng được gánh lo” bởi sự lựa chọn của người Pháp là một tuyên bố mạnh mẽ trước làn sóng dân túy và chống toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ ở Lục địa già.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top