Sự kiện vấn đề

Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng

15:39 - Thứ Ba, 09/05/2017 Lượt xem: 3830 In bài viết

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa diễn ra cuối tuần qua, Bộ KH-ĐT cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao, nếu so với mức bình quân tăng 6,4% của 9 tháng cuối năm 2016.

Trong khi đó, dù sang tháng 4, tình hình kinh tế diễn biến tích cực hơn, song vẫn còn không ít khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tiến bộ hơn quý 1, nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ. Ước tính 4 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng của quý 1 (4,1%), nhưng khá thấp so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo thời điểm ngày 1-4 cũng vẫn ở mức cao, tăng 12,7%, cao hơn so với cùng thời điểm năm 2016 (8,9%). Đáng ngại hơn, sản xuất nông nghiệp chỉ vừa phục hồi trong quý 1 đã gặp khó khăn ngay trong thời điểm quý 2 vừa bắt đầu. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chăn nuôi heo đang đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa nguồn cung nghiêm trọng, giá bán giảm xuống dưới giá thành sản xuất, làm người chăn nuôi thua lỗ. Cùng với đó, nhập siêu sau 4 tháng đầu năm đã lên tới 2,74 tỷ USD… Trong bối cảnh như vậy, kịch bản mà Bộ KH-ĐT tính toán là tăng trưởng GDP quý 2 phải đạt 6,26%, quý 3 là 7,29% và quý 4 là 7,49%, thì bình quân 9 tháng còn lại của năm, tăng trưởng GDP mới có thể đạt mức 7,1%.

Như vậy có thể thấy, nhiệm vụ của những tháng tiếp theo của năm 2017 là rất nặng nề, nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4%. Tuy nhiên, tinh thần của phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua là Chính phủ vẫn kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm đạt tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, chưa thay đổi mục tiêu này. Phiên họp cũng khẳng định rõ, đây là quyết tâm chính trị của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện với nỗ lực cao nhất. 

Để đạt tới mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu từng bộ, từng địa phương cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch chứ không phải ở mức bình thường. Đặc biệt có đối sách, giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân mọi nguồn vốn, lo tìm thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu, chú trọng thị trường mới. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Với ngành công thương, phải rà soát lại 31 mặt hàng, trong đó lưu ý các mặt hàng lớn như dầu khí, than… để tăng được sản lượng khai thác. Công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng ít nhất 13%. Phấn đấu tăng trưởng ngành sản xuất, phân phối điện cả năm đạt 11,5%. Xuất khẩu phải đạt và vượt kế hoạch. Ngành xây dựng phải tăng ít nhất 10%. Trong phát triển nói chung, phải tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh. Về nông nghiệp, phải bảo đảm tăng trưởng trên 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm nay cần đạt ít nhất là 33 tỷ USD. Đối với các loại dịch vụ nói chung, trong đó có du lịch, các ngành đều phải rà soát lại, từ giao thông vận tải đến giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch… để bảo đảm các lĩnh vực đều đóng góp cho tăng trưởng. Thủ tướng cũng lưu ý việc xử lý 12 dự án thua lỗ, với tinh thần phải xong trong năm 2017 - 2018. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Bộ Công thương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước sản xuất được, có tiêu chí kiểm soát về kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng vệ phù hợp, nhất là đối với nông sản. 

Quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ trong bảo đảm mục tiêu năm 2017 là rất cao. Các “tư lệnh ngành” Công thương, NN-PTNT, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Văn hóa - Thể thao - Du lịch… cũng đều nêu hàng loạt giải pháp và khẳng định sẽ nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đã đề ra. Như Thủ tướng đã khẳng định, Chính phủ đang rất cần bộ trưởng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trọng yếu, kể cả khối sản xuất, khối văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội… tập trung chỉ đạo quyết liệt để tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ khi trong từng ngành, lĩnh vực nói riêng, từ khoa học công nghệ, giáo dục đến y tế, lao động - việc làm, văn hóa - xã hội, thông tin truyền thông… tập trung nâng cao giá trị gia tăng của từng ngành để đóng góp chung vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế  thì mục tiêu mới có thể hoàn thành. Bởi bên cạnh quyết tâm cao, cần phải có sự cộng hưởng của những giải pháp cụ thể để làm chuyển biến tình hình.
Theo SGGP
Bình luận
Back To Top