Chủ động đón dòng vốn mới

15:36 - Thứ Tư, 05/07/2017 Lượt xem: 3055 In bài viết
Sáu tháng đầu năm 2017, đã có trên 19,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam.

Cụ thể, vốn đăng ký mới là 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD, tăng 35,8%. Bên cạnh đó, còn có 2.501 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 2,24 tỷ USD, tăng 97,6%.

Nguồn tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm, nhiều khả năng sẽ có thêm 2 dự án nhiệt điện BOT được cấp chứng nhận đầu tư trong năm nay. Nếu thực tế là vậy, vốn FDI vào Việt Nam dễ dàng đạt mức tương đương 24 tỷ USD của năm 2016 mà chưa tính đến các dự án khác.

Điều đáng lưu ý là sự trở lại ngoạn mục của các nhà đầu tư Nhật Bản, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 5,08 tỷ USD, vượt qua cả nhà đầu tư vốn giữ vị trí quán quân nhiều tháng qua là Hàn Quốc (4,95 tỷ USD). Trong đó, dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 của nhà đầu tư Nhật, với gần 2,8 tỷ USD vốn đăng ký, sau thời gian dài chờ đợi, cũng đã được cấp chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 6 vừa qua.

Mặc dù tính lũy kế thì các nhà đầu tư Nhật vẫn xếp thứ 2, sau các nhà đầu tư xứ sở Kim Chi, song các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài tỏ ra khá lạc quan về một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản. 

Cũng phải nói thêm rằng, trong 4-5 năm qua, kể từ sau các đại dự án thành phố mới Bình Dương Tokyu và Bridgestone với vốn đăng ký cùng là 1,2 tỷ USD, Việt Nam mới lại đón được một dự án “tỷ đô” từ các nhà đầu tư Nhật vốn nổi tiếng thận trọng và tỷ lệ thực hiện đầu tư thực tế rất cao.

Ngoài dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2 (cũng chính là yếu tố “đẩy” Thanh Hóa vọt lên đứng đầu danh sách các địa phương thu hút vốn FDI của cả nước nửa đầu năm 2017), còn 2 dự án lớn khác là Trung tâm Thương mại Aeon Mall Hà Đông và sân golf Sakura Hải Phòng cũng vừa được trao chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 6 vừa qua, nhân chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản, cũng “đóng góp” vào danh sách vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.

Tất nhiên, việc ký kết đầu tư một dự án FDI lớn luôn là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài từ rất lâu trước đó, và dự án Nghi Sơn chính là một ví dụ điển hình. Song giới phân tích cho rằng, những cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh một lần nữa được thể hiện rõ nét bởi chính người đứng đầu Chính phủ đã có những tác động rõ nét và tích cực. Tập đoàn Sumitomo bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm cấp chứng nhận đầu tư cho dự án nhiệt điện BOT Bắc Vân Phong; Tập đoàn Kirin có kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bia, nước giải khát và thực phẩm; Tập đoàn công nghiệp nặng IHI cũng chia sẻ với Thủ tướng về kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện giảm khí CO2, xây dựng cầu đường nhằm góp phần cải thiện giao thông Việt Nam…

Hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi một làn sóng FDI mới từ Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định như vậy khi được hỏi về vấn đề này. Điều đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, cần chủ động thu hút FDI theo đúng định hướng mà Chính phủ đã đặt ra, là tập trung vào các dự án công nghệ cao, hiện đại, ít tiêu hao năng lượng cũng như các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết khu vực FDI với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế để tạo ra hiệu ứng lan tỏa từ động lực đang tăng trưởng mạnh mẽ này, tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI cũng là một yêu cầu quan trọng. 

Ở chiều ngược lại, dù những nỗ lực của Việt Nam đã được ghi nhận, song vẫn còn rất nhiều điều phải làm để môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn trong mắt nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Đó là việc tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tạo mọi thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng thân thiện với doanh nghiệp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng…

Minh Thùy (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top