Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng

16:03 - Thứ Tư, 12/07/2017 Lượt xem: 2740 In bài viết
Tuy không có quá nhiều số người tử vong nhưng tình hình dịch bệnh trên người đang khá căng thẳng và phức tạp khi nhiều dịch bệnh liên tục gia tăng số người mắc.

Đáng lo ngại hơn, khi thời tiết đang bắt đầu vào giữa mùa hè, nắng nóng kết hợp với mưa lớn trên diện rộng trở thành điều kiện lý tưởng để nhiều loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề tại không ít địa phương, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo an toàn, nhất là ở khu vực nông thôn... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân. Qua giám sát dịch tễ của ngành y tế cho thấy, có tới hơn 10 loại dịch bệnh nguy hiểm rất dễ bùng phát và lan rộng trong giai đoạn hiện nay, như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não virus, tiêu chảy, sởi, thương hàn... Đây phần lớn đều là các dịch bệnh dễ lây lan thông qua môi trường, đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc. Hơn nữa, không ít dịch bệnh đến nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên khi xảy ra thường có rất nhiều người mắc và nhanh chóng lan rộng.

Trong số các dịch bệnh đang bùng phát phải kể tới sốt xuất huyết là căn bệnh nhiệt đới lây lan rất nhanh do muỗi truyền bệnh. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận trên 45.000 người mắc sốt xuất huyết, với 13 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần, cả nước có 1.700 - 1.800 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mới. Các địa phương như: Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, TPHCM... đang có số người mắc sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Tại Hà Nội, tính hết tuần đầu tiên của tháng 7 đã có trên 3.300 trường hợp bị sốt xuất huyết với 1 ca tử vong. Đáng báo động, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thủ đô năm nay xuất hiện sớm và gia tăng bất thường với số ca mắc tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại khu vực phía Nam, dù đã trở thành dịch bệnh lưu hành thường xuyên nhưng tới thời điểm này, chỉ riêng TPHCM đã ghi nhận trên 9.100 người mắc sốt xuất huyết (tăng 11%), trong đó có 3 ca tử vong. Trong khi đó, dịch bệnh số người mắc không nhiều nhưng số người tử vong lại rất lớn, là viêm não virus, hiện đang vào giai đoạn cao điểm, với số mắc trung bình từ 1.000 - 1.200 trường hợp/năm, trong đó có khoảng 30 - 50 trường hợp tử vong. Theo giám sát của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đang có số người mắc viêm não cao là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Cao Bằng, Khánh Hòa, Kiên Giang. Cùng với đó, các dịch bệnh như: bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ, dại, thủy đậu, liên cầu khuẩn... cũng vào giai đoạn cao điểm khi số người mắc bệnh có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn. Ngay như dịch bệnh khá lành tính và thông thường là cúm mùa cũng ghi nhận ổ dịch trong một gia đình (ở quận Tân Phú, TPHCM) dù chỉ với 4 người mắc nhưng đã có 1 ca tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng, với khí hậu nhiệt đới gió mùa và tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tác động của El Nino khiến nhiệt độ mùa hè nóng hơn và mưa trái mùa tăng lên, vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh không thể chủ quan lơ là, nhất là vào trước mùa mưa bão. Không chỉ là một số dịch bệnh lưu hành thường xuyên xảy ra mà những dịch bệnh hiếm gặp, mới nổi, dịch bệnh từ các quốc gia khác cũng đang diễn biến phức tạp và khó lường. Thực tế này đang khiến người dân và cộng đồng xã hội rất lo lắng khi sức khỏe bị đe dọa bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì ý thức phòng chống dịch của không ít người, cũng như chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn còn chủ quan, coi thường. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, rất nhiều khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thủ đô đang có ổ dịch sốt xuất huyết nhưng khi lực lượng y tế dự phòng đi phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch thì có tới 15% số gia đình đi vắng cả ngày và 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng, cho dù trước đó trạm y tế xã/phường và chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi. 

Đáng lo hơn, nhiều dịch bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngặn chặn bằng vaccine nhưng không ít người vẫn ngại ngùng không cho trẻ đi tiêm chủng vaccine. Thậm chí, gần đây trên mạng xã hội và một số diễn đàn xuất hiện nhiều thông tin, hiện tượng “chống” tiêm vaccine, “tẩy chay” việc tiêm vaccine cho trẻ em, khiến không ít người, nhất là các bậc cha mẹ băn khoăn và lo lắng về việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ. Trước hiện tượng “anti vaccine”, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo: nếu chỉ cần bỏ tiêm vài mũi vaccine, hoặc tiêm vaccine không đầy đủ, trẻ nhỏ sẽ phải gánh chịu hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Thực tế đã chứng minh nhờ tiêm chủng vaccine mà Việt Nam đã khống chế và loại trừ được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: bại liệt, uốn ván sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi.

Bất kỳ ai cũng đều có thể mắc bệnh truyền nhiễm, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất. Tệ hơn, dịch bệnh không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống, kinh tế - xã hội. Vì vậy đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh luôn phải chủ động thực hiện với các biện pháp quyết liệt và trách nhiệm hơn. Đặc biệt, cần phải kiên quyết xử lý thật nghiêm đối với những cá nhân, hộ gia đình, địa phương, đơn vị chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hành động thiết thực theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và lăng quăng; ngủ màn; ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh và cho trẻ nhỏ được tiêm chủng đầy đủ đúng lịch các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top