Nỗi lo sau cơn mưa

16:33 - Thứ Tư, 12/07/2017 Lượt xem: 3135 In bài viết
Tại sao bây giờ chỉ mưa lũ nhỏ mà cũng gây những hậu quả ghê gớm như vậy là câu hỏi chưa được mổ xẻ kỹ lưỡng.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp giao ban “nóng” về tình hình thiệt hại do mưa lũ, tính đến ngày 11-7 đã có 13 nạn nhân chết và mất tích vì mưa kéo dài, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc bộ và Đông Bắc bộ. Trong đó những nạn nhân thiệt mạng khi bị núi lở đá đè, người phải vật vã giữa dòng nước xiết trước khi nhắm mắt, có người chìm dưới bùn lầy, bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác… 

Nhớ lại hồi tháng 10-2016, những trận mưa lũ dồn dập giáng xuống khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dai dẳng suốt nhiều tháng liền, đã cướp đi 126 sinh mạng. Ngoài ra còn gần 400.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại. Hoa màu bị mất trắng, rồi công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng rất là nhiều. Đây là đợt mưa lũ kỷ lục ở Nam Trung bộ, gây thiệt hại cho nhiều tỉnh và sau đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để khắc phục hậu quả do thiên tai để lại. Cũng xin nhắc lại, đây không phải là đợt mưa lũ do bão hoặc áp thấp nhiệt đới (một loại hình thái thời tiết nguy hiểm) mà chỉ là mưa do rãnh áp thấp đi qua.

Tại sao bây giờ chỉ mưa lũ nhỏ mà cũng gây những hậu quả ghê gớm như vậy là câu hỏi chưa được mổ xẻ kỹ lưỡng. Trước kia, dường như nói đến những cơn mưa rào mùa hạ là nghĩ đến cảm hứng của những bài thơ bản nhạc, là biểu tượng tình yêu lãng mạn. Nhưng bây giờ, mưa là ngập lụt và thường gây ra chết chóc. Không chỉ người dân Hà Nội, TPHCM khốn khổ vì mưa - ngập lụt mà ngay tại các khu đô thị sầm uất ven biển, tiêu biểu như TP Hạ Long và TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) trong tháng 7-2015 cũng chìm sâu trong biển nước vì mưa áp thấp. Chỉ trong vài ngày, hơn 2.000 tỷ đồng trôi theo dòng nước, 17 người dân thiệt mạng oan uổng. 

Lý do thường được dùng để giải thích cho những nguyên nhân mưa lũ bây giờ nhiều và nguy hiểm là vì biến đổi khí hậu hoặc do hiện tượng El Nino và La Nina. Thực sự là thời tiết đang có dấu hiệu cực đoan, trái chiều. Chẳng hạn như ở Nam bộ, mùa khô thông thường là từ tháng 11 đến tháng 4 nhưng gần đây liên tục có mưa trái mùa, hoa trái thất thu, nhà vườn khổ sở vì thời lịch. Ở miền Bắc, hoa nở ngay giữa mùa đông vì thời tiết ấm. Tuy nhiên, ai đã làm cho trái đất nóng lên, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và khí hậu bị biến đổi như thế nào, môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nặng nề ra sao, còn bao nhiêu độ che phủ rừng thực sự? 

Có lẽ, để trả lời được những câu hỏi đó cũng không phải dễ và không thể làm trong một sớm một chiều. Có những giải pháp thực sự cần phải tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, vẫn có thể áp dụng những giải pháp ít tốn kém hơn mà hiệu quả, để giúp bảo vệ được sinh mạng của nhiều người mỗi khi mưa lũ, chẳng hạn như giúp người dân trong các khu vực nguy hiểm nâng cao nhận thức về các nguy cơ thiên tai ngày càng khốc liệt, những rủi ro dễ xảy ra do mưa lũ. Ý thức tự giác của mỗi người dân về bảo vệ tính mạng là quan trọng nhất. Song bản thân các chính quyền sở tại cũng cần vào cuộc trách nhiệm để hướng dẫn, bảo vệ người dân khi có cảnh báo mưa lũ, chỉ cần tích cực cảnh báo trên loa truyền thanh, cắt cử cán bộ ứng trực tại các vị trí nước lũ, cắm biển cảnh báo… Các trưởng thôn, trưởng bản có thể đi tới từng nhà vận động, nhắc nhở bà con thực hành kỹ năng sinh tồn; không ra khỏi nhà, cố tình lội qua hầm, ngầm, tràn đập; không đi vớt củi… khi có mưa lũ. Có thể tổ chức các nhóm thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn. Cộng đồng mạng có thể cảnh báo về các khu vực thời tiết xấu để thông tin tới nhiều người, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quý về phòng tránh tai nạn do mưa lũ, bão. Nhưng về lâu dài, vẫn cần có một giải pháp tổng thể của Chính phủ để ứng phó với thiên tai thảm họa, từ việc dự báo cảnh báo thiên tai đến di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo vệ rừng, loại bỏ các thủy điện kém hiệu quả, bảo vệ môi trường… Đành rằng thiên tai là rất khó lường, nhưng sự thiếu trách nhiệm và yếu kém trong quản lý cũng là nhân tai để đẩy thiên tai trở thành thảm họa đối với sinh mệnh mỗi người.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top