Khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ hơn

15:47 - Thứ Tư, 15/11/2017 Lượt xem: 4317 In bài viết
Ngày 14-11, tại Hà Nội đã khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 (TechFest 2017) với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp sự kiện diễn ra, do Bộ KH-CN tổ chức, được xem là hoạt động khởi nghiệp lớn nhất hàng năm.

TechFest 2017 quy tụ nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong 6 lĩnh vực, gồm: cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; nông nghiệp; giáo dục; du lịch và dịch vụ ẩm thực; y tế; công nghệ mới. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng được các nhà đầu tư quan tâm, được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển để phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong năm 2016 và 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD (Momo - 28 triệu USD; F88 - 10 triệu USD; Got It! - hơn 9 triệu USD; Vntrip.vn - 3 triệu USD; Toong - 1 triệu USD ). Mới nhất là doanh nghiệp Foody (mạng xã hội về ẩm thực) đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại.

Cùng với đó, hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư; hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups,... tăng khoảng 30% so với năm 2016. Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như “Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”, chương trình “Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam”…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có những việc làm rất tốt và cụ thể, nhưng nhiều việc cũng mới chỉ là ban đầu. Trong đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa nhỏ có một điều luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là một bước tiến quan trọng, song luật cần có văn bản hướng dẫn cụ thể; hay như trong Luật Thuế mới bắt đầu đưa dần ý tưởng nhưng cũng cần cụ thể hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, làm sao để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không thành phong trào vụt lên rồi bẵng đi mà phải liên tục và dài hơi. Phó Thủ tướng cũng dẫn câu nói “Nếu muốn có thể đi nhanh có thể đi một mình nhưng nếu muốn đi xa thì không thể độc hành” và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và nhà nghiên cứu phải lớn mạnh lên.

Cũng theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 có 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu như năm 2016 chúng ta mới có 1.800 doanh nghiệp, thì đến nay con số đó đã 2.800. Vậy để đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, thì trong 2 năm nữa phải có thêm 2.000 doanh nghiệp và chúng ta sẽ về đích trước bao nhiêu tháng? Cần đề ra những việc cụ thể để thực hiện cho bằng được và sớm nhất. “Đẩy mạnh khởi nghiệp là việc phải làm, bởi cứ làm như trước thì Việt Nam chắc chắn không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình để đi theo quỹ đạo của các nền kinh tế phát triển. Vì vậy chúng ta buộc phải làm một cách rất mới, rất sáng tạo!”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh dẫn nhiều con số cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Theo đó, lần đầu tổ chức vào năm 2015, TechFest thu hút được hơn 1.000 lượt khách tham dự, trong đó có hơn 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở ươm tạo danh tiếng trong nước và quốc tế, hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp; thì năm 2016, TechFest được tổ chức với quy mô lớn hơn, gấp đôi cả về số cá nhân và quỹ đầu tư tham gia. TechFest 2017 dự kiến sẽ thu hút từ 4.000 đến 4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp.

Quy mô ngày càng lớn của sự kiện đã chứng tỏ TechFest đã thực sự trở thành ngày hội và mang đến những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước vì Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học thấp, nguồn lực đầu tư giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, còn hạn chế. Vì vậy, chỉ khi có sự chung tay của các bộ ngành, các tổ chức, nhà đầu tư và sự nỗ lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam mới có thể phát triển sôi động, mạnh mẽ và mang lại những giá trị, hiệu quả tích cực cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top