Chuyến công du định hình chính sách

10:55 - Thứ Sáu, 12/01/2018 Lượt xem: 3763 In bài viết
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 3 ngày với mục đích cân bằng quan hệ kinh tế với cường quốc thứ hai thế giới. Chuyến công du Trung Quốc - một cường quốc kinh tế, đồng thời là đối tác quan trọng hàng đầu của cả Pháp lẫn Liên minh Châu Âu (EU), cũng là chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông E.Macron kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2017.

Trong suốt 8 tháng nắm quyền vừa qua, Tổng thống Pháp E.Macron chủ yếu tập trung nỗ lực ngoại giao ở Châu Âu, sau đó là Châu Phi và Trung Đông. Do đó, chuyến thăm Trung Quốc được đánh giá là động thái định hình cách tiếp cận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của Pháp trong thời gian tới. Theo bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Pháp Natixis, dựa trên những gì đã thể hiện trong chuyến thăm 3 ngày, Tổng thống E.Macron rõ ràng đang tìm kiếm một mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Trung Quốc. Vì vậy, một loạt vấn đề quan trọng như chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hồ sơ về Syria, Triều Tiên... đã được đưa vào nội dung chương trình nghị sự giữa các nhà lãnh đạo hai bên. 

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Macron.

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm có thể thấy được trong chuyến thăm là kinh tế. Không che giấu tham vọng thúc đẩy sân chơi công bằng hơn trong quan hệ thương mại, Tổng thống E.Macron đã đưa theo đoàn tháp tùng hùng hậu gồm 50 giám đốc điều hành các tập đoàn lớn của Pháp. Một "cơn mưa" hợp đồng đã được báo chí nhắc đến sau chuyến đi. Trong đó, đáng chú ý là việc Bắc Kinh đặt mua 184 chiếc Airbus A320, trị giá 18 tỷ USD và sẽ được giao trong hai năm 2019-2020. Tập đoàn hàng không này cũng ký Nghị định thư mở rộng quan hệ đối tác công nghiệp tại Thiên Tân và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cải tiến năng lực kỹ thuật và phát triển hệ thống thầu phụ. Về năng lượng, hai nước đã ký Nghị định thư thỏa thuận xử lý chất thải hạt nhân. Tập đoàn Areva của Pháp sẽ xây dựng một nhà máy theo mô hình nhà máy đang hoạt động tại La Hay (Hà Lan), có khả năng xử lý đến 800 tấn chất thải hạt nhân mỗi năm. Hợp đồng có thể được chính thức ký kết vào mùa xuân này, chấm dứt 10 năm đàm phán. Cùng với đó, cơ quan tư vấn quốc tế của Pháp Business France đã ký thỏa thuận bán hàng với tổng trị giá khoảng 2 tỷ euro trong vòng 2 năm trên trang JD.com của tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc Jingdong Group. Trung Quốc cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận thịt bò Pháp, được áp dụng từ năm 2001 sau dịch bò điên. 

Với kết quả chuyến thăm này, giới chức Paris cho biết, ông chủ Điện Elysse mong muốn có được sự tương hỗ nhiều hơn trong việc thâm nhập thị trường và điều kiện cạnh tranh bình đẳng hơn nhằm thu hẹp mức thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc lên tới 30 tỷ euro. Khái niệm tương hỗ được hiểu là sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với các công ty nước ngoài trong các ngành nghề, lĩnh vực được nhà nước bảo hộ của nền kinh tế Trung Quốc. 

Để đổi lại những lợi ích về kinh tế với Trung Quốc, Tổng thống E.Macron cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Bắc Kinh đối với đại dự án của Trung Quốc “Một con đường, một vành đai” nhằm tái hiện con đường tơ lụa trong thời đại mới. Việc Tổng thống E.Macron chọn Tây An - nơi xuất phát của Con đường tơ lụa cổ xưa - là điểm đến đầu tiên mang một thông điệp rất rõ ràng: “Trung Quốc là cơ hội chứ không phải mối đe dọa với Pháp và Châu Âu nói chung”.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top